Theo đó có rất nhiều các doanh nghiệp lớn trong dịp này đã tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM, mục đích chương trình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân mua sắm chuẩn bị một cái Tết ấm no, sum vầy bên gia đình.
Phó Tổng giám đốc Vissan - ông Phan Văn Dũng cho biết, trong đợt tham gia chương trình lần này công ty đã chuẩn bị ngân sách 710 tỷ đồng cho việc dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
“Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 30% so với Tết trước, cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%. Để kích cầu tiêu dùng, chúng tôi sẽ duy trì các hoạt động khuyến mãi theo hình thức cuốn chiếu cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến” - ông Dũng cho hay.
Để thực hiện điều này một cách tốt nhất, công ty đã thường xuyên rà soát, cân đối giảm bớt các chi phí cũng như chia sẻ lợi nhuận của doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn người tiêu dùng trong dịp Tết Quý Mão 2023.
TP.HCM cam kết giữ ổn định giá hàng hóa trong dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Báo Đầu Tư.
Báo VOV- TP.HCM cũng đưa tin về một số các hệ thống phân phối hàng hóa, siêu thị lớn tại TP.HCM như Big C, Saigon Co.op, Emart... cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đặc biệt hệ thống siêu thị Tops Market có chương trình bán thịt heo tươi không lợi nhuận.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm, sản phẩm thịt chế biến như: Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty TNHH Ba Huân cũng cam kết giảm giá từ 20%-30%, đồng thời khuyến mãi sâu trong những ngày: 28, 29, 30 Tết để giúp người dân sắm Tết muộn vẫn mua được hàng hoá chất lượng, giá tốt.
Chi phí đầu vào tăng từ 20-30% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn giữ giá ổn định trong dịp Tết Kỷ Mão. Ảnh: DNCC/VOV.
Về tình hình cung ứng hàng hóa dịp Tết năm nay, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đảm bảo lượng hàng dự trữ, cung ứng đáp ứng kế hoạch thành phố giao; nhiều nhóm hàng đủ sức chi phối thị trường, chiếm từ 22 - 54,5% nhu cầu như thịt gia cầm (chiếm 54,3%), trứng gia cầm (46,7%), thực phẩm chế biến (22,1%), thịt gia súc (20,2%), dầu ăn (21,4%)...
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, nguồn vốn doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị phục vụ hai tháng Tết Quý Mão 2023 là 20.000 tỷ đồng; trong đó có 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.