Bên cạnh đó, Tổng Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện đại hóa, tự động hóa, nâng cao công suất, chất lượng dịch vụ cảng, phát huy thế mạnh của tính hệ thống và tăng hiệu quả kinh doanh tại các cơ sở của Tân Cảng Sài Gòn, đồng thời nghiên cứu lựa chọn các hãng tàu chiến lược để liên doanh đầu tư khai thác các dự án cảng, cơ sở dịch vụ logistics mới.
Việc xây dựng các bến nước sâu theo hướng hiện đại, phát triển xanh bền vững được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ là cú hích cho đô thị cảng biển trở thành “vai trò cửa ngõ chính” kết nối Việt Nam cạnh tranh được với các đô thị cảng hiện đại trên thế giới, qua đó nâng tầm hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế và tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước.
Hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang vận hành cụm cảng Tân Cảng Cái Mép (gồm: cảng Tân Cảng Cái Mép, cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép và cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải) với tổng diện tích 108ha, khai thác 1.752m cầu tàu, đón tàu đến 160.000 DWT, năng lực thông qua 5 triệu TEU/ năm.
Tại Hải Phòng, Tổng Công ty đang khai thác cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng có diện tích 56,9ha, 750m cầu tàu, tiếp nhận tàu 132.000 DWT, năng lực xếp dỡ thiết kế 1,1 triệu TEU/ năm. Đây là cảng nước sâu đầu tiên tại miền Bắc có khả năng tiếp nhận tàu siêu trường, siêu trọng đến 160.000 DWT đi thẳng đến Hoa Kỳ và châu Âu.
Ngoài ra, Tổng Công ty cũng đang vận hành hai cảng nước sâu lớn là cảng Tân Cảng Cát Lái tại TP. HCM và cảng quốc tế Tân Cảng Cam Ranh tại Khánh Hòa. Trong đó, Tân Cảng Cát Lái có tổng diện tích 121,4ha, 1.952m cầu tàu, đón tàu đến 45.000 DWT, năng lực thông qua 6 triệu TEU/năm (tương đương 81 triệu tấn). Số thu thuế xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng chiếm 26,7% số thu ngân sách toàn ngành Hải quan, chiếm 18-20% tổng số thu ngân sách của TP. HCM và khoảng 6,1% tổng số thu ngân sách cả nước.
Tân Cảng Cam Ranh có tổng chiều dài bến cập tàu 2.147m, có thể tiếp nhận 20 tàu cùng lúc vào cập bến và neo đậu, cung cấp các dịch vụ đa dạng cho tàu dân sự tải trọng tàu tối đa đến 110.000 DWT, tàu khai thác du lịch đến 100.00 GRT và tàu quân sự.
Đại tá Nguyễn Năng Toàn cho biết, mục tiêu chiến lược phát triển của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là trở thành tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam, đưa thương hiệu “Tân Cảng” trở thành thương hiệu lớn trong khu vực và trên thế giới. Từ đó, Tổng Công ty sẽ tập trung dựa trên 03 trụ cột kinh doanh chính là khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển.