Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt; các hoạt động của người dân và doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng so cùng kỳ như: Tổng sản lượng thủy sản tăng 1,6% (tôm tăng 10,9%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,7% (sản lượng chế biến tôm tăng 13,2%, sản lượng phân bón tăng 18,3%); tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 73,9%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 51%, số vốn đăng ký tăng 6,3 lần; giải quyết việc làm tăng 7,2%; số vụ tai nạn giao thông và số người chết giảm so cùng kỳ; tình hình tội phạm về trật tự xã hội giảm so cùng kỳ, tội phạm về ma túy giảm cả về số vụ, số đối tượng; quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững,...
Diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tăng 8,5 ha/06 hộ, lũy kế 7.392,8 ha/10.347 hộ. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng 118 ha/160 hộ, lũy kế 3.861,4 ha/3.934 hộ; diện tích nuôi tôm thâm canh giảm 109,5 ha/154 hộ (do chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh), lũy kế 3.531,4 ha/6.413 hộ. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng 255 ha, lũy kế 165.760 ha, đang thả nuôi 99,2%.
Rau màu các loại xuống giống lũy kế 2.885,5 ha; thu hoạch lũy kế 2.258 ha. Tổng đàn heo xuất chuồng 16.000 con, lũy kế 80.000 con, bằng 38% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm xuất chuồng 410.000 con, lũy kế 2.090.000 con, bằng 45% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ. Tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất kinh doanh cho người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 7.119 tỷ đồng, tăng 4,9% so với tháng trước, lũy kế đạt 32.015 tỷ đồng, bằng 46,2% kế hoạch, tăng 7% so cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 120 triệu USD, lũy kế 627,9 triệu USD, bằng 54,6% kế hoạch, tăng 73,9% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 112,5 triệu USD, lũy kế 511,8 triệu USD, bằng 47,8% kế hoạch, tăng 55,2% so cùng kỳ; xuất khẩu phân bón đạt 7,5 triệu USD, lũy kế 116,1 triệu USD, vượt 48,9% kế hoạch, tăng 270,6% so cùng kỳ.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022: Giải ngân 1.200,3 tỷ đồng, bằng 34,7% kế hoạch (vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý 45,1%; vốn xổ số kiến thiết 42,9%; vốn đầu tư từ ngân sách huyện, thành phố 44,5%; vốn vay lại ngân sách địa phương 11,7%; vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh 8,2%; vốn ngân sách trung ương 26,7%; vốn ODA 9,4%).
6 tháng cuối năm, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tập trung một số công tác trọng tâm như sau:
Thực hiện các giải pháp cấp bách để thúc đẩy sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; tập trung chăm sóc tốt các trà lúa đã xuống giống; duy trì và phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất nông sản chất lượng cao; mời gọi hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ các ngành hàng chủ lực. Theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, có giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục kiểm tra, theo dõi tình hình sạt lở, xâm nhập mặn, sụp lún và an toàn các công trình, triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời. Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn các tuyến đê và các công trình thủy lợi khác.
Tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tại các chợ, siêu thị, nhà máy chế biến, xuất khẩu, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, phấn đấu vượt mức kế hoạch đề ra. Tiếp tục chú trọng thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tập trung, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các công trình, dự án; thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tận dụng thời cơ thu hút các dòng vốn đầu tư, nhất là những tập đoàn công nghệ lớn; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022.
Theo Thạch Bình / Ngày Mới Online