Trái phiếu "3 không"
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển nóng trong thời gian qua, cùng với đó là sự "bát nháo" trên thị trường khi không ít doanh nghiệp có hành vi lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều.
Không chỉ là trái phiếu "3 không" như không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không bảo lãnh thanh toán. Th.S Nguyễn Anh Vũ (Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi lo ngại còn có cái "không" thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm".
Cần siết lại kỷ cương trên thị trường trái phiếu là điều cần làm lúc này, nhưng đừng bóp nghẹt thị trường còn non trẻ này tại Việt Nam.
Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV VietinBank Capital - cho rằng: "Nếu chặn nốt kênh trái phiếu phát hành riêng lẻ, buộc họ sẽ phải nghĩ đến một kênh vốn đầu tư mạo hiểm hoặc buộc lại phải quay lại thị trường chợ đen. Đối với vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, tôi tin rằng mọi các cấp lãnh đạo đều mong muốn kiềm chế, kiểm soát và hạn chế tối đa vai trò của thị trường chợ đen đối với các doanh nghiệp, trong những trường hợp khó khăn. Vì thế, khi nói về câu chuyện thanh lọc thị trường, tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng.
Những sai phạm vượt quá xa so với chuẩn mực, cần phải phanh lại và tạo ra một sự đánh động đối với cả nhà đầu tư, đơn vị phát hành, các cơ quan quản lý và các tổ chức trung gian thứ ba nhưng đồng thời, phải tạo điều kiện cho khắc phục được sai lầm đó, cũng như tạo điều kiện cho thị trường tự điều tiết thông qua việc tăng cường nhận thức".
TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc phát hiện những vụ thao túng giá chứng khoán và những cá nhân liên quan trong thời gian gần đây là rất cần thiết nhằm xây dựng thị trường chứng khoán lành mạnh, bảo đảm kỷ luật tài chính... Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát, hạn chế những tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường này, nhất là không để các doanh nghiệp niêm yết cũng như nhà đầu tư lo ngại, hoảng sợ.
Về lâu dài, cơ quan quản lý cần có quyết tâm cao hơn trong xây dựng môi trường pháp lý, nâng cấp và thành lập mới các công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có tính độc lập cao hơn.
Áp dụng nguyên tắc "tiền phòng, hậu kiểm"
Đánh giá về tác động của đợt mạnh tay thanh lọc thị trường và câu chuyện huỷ lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh vừa qua, ông Khổng Phan Đức cho rằng: "Đây là cú giật mình cho nhiều bên, từ tổ chức phát hành, nhà đầu tư đến những đơn vị thứ ba tham gia trong quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tôi đoán là ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng cảm thấy có gì đấy giật mình sau sự kiện đó".
Bộ Tài chính thời gian qua liên tục xuất hiện trên truyền thông để trấn an các nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Tinh thần của bộ là áp dụng các biện pháp "tiền phòng, hậu kiểm", để đảm bảo thị trường phát triển theo quy luật cung - cầu dưới sự giám sát, quản lý của Nhà nước thông qua quy định pháp luật".
Đánh giá về tác động của vụ việc khởi tố liên tiếp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: "Chúng tôi khẳng định rằng, các sự việc vừa qua chỉ là các sự vụ đơn lẻ, chỉ có tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nhằm thanh lọc, lành mạnh hóa TTCK. Dù khó tránh khỏi những tác động tâm lý trong ngắn hạn, nhưng việc "loại bỏ những hạt sạn" sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của TTCK trong trung và dài hạn...
TTCK Việt Nam vẫn còn nguyên đó các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, TTCK Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư".
Theo Theo Lao Động / Ngày Mới Online