Đây là nhận định được các chuyên gia kinh tế, quỹ đầu tư đưa ra tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới" do Vietnambiz và Vietnammoi tổ chức ngày 27/9.
Thực tiễn trong hai năm qua, TTCKVN bùng nổ với lượng lớn nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia, nâng tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán vượt ngưỡng 6,3 triệu. Đặc điểm này được giới chuyên gia đánh giá là động lực giúp TTCK bùng nổ trong vòng 3-5 năm tới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, chính điều này cũng khiến cho thị trường dễ nhận những cú sốc lớn do các NĐT cá nhân chuộng lướt sóng, đầu cơ áp đảo về khối lượng giao dịch trên thị trường. Hệ quả là sau giai đoạn bùng nổ 2020-2021, thị trường đã sụt giảm mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản từ quý II/2022, làm giảm sức hút của thị trường trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư thua lỗ, rời bỏ thị trường.
Ông Báu nhận định nền kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam rất tích cực khi tăng trưởng tốt, lạm phát thấp; nhưng dòng tiền lại xấu do ngân hàng Trung ương các nước tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỉ giá đồng Việt Nam. Thị trường chứng khoán biến động chủ yếu theo dòng tiền nên giá cổ phiếu 2022 diễn biến tiêu cực, thị trường bất động sản cũng đi xuống theo.
Ông Báu cho rằng lãi suất năm 2023 sẽ đi ngang, áp lực tỉ giá sẽ không còn nặng nề khi nhiều quốc gia đạt tới đỉnh lạm phát và lãi suất của các nước này lập đỉnh ở 2023.
Nhìn về dài hạn, các chuyên gia kinh tế và quỹ đầu tư cho rằng, TTCKVN vẫn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt khi kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ chiến lược xoay trục của dòng vốn đầu tư quốc tế, tăng trưởng trong nước tiếp tục được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới.
Chia sẻ về triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2022 và cả năm 2023, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng, trong thời gian tới, động lực tăng trưởng quý IV/2022 và 2023 đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ nước khác sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Ông Đào Minh Châu cũng cho biết: NĐT nước ngoài là điểm sáng trong thời gian qua với giá mua ròng 2.000 tỷ trên HOSE (tập trung vào quý II với giá trị mua ròng hơn 9.000 tỷ, chủ yếu đến từ quỹ Fubon hay Diamond).
Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá vẫn hấp dẫn khi P/E (dựa trên số liệu lợi nhuận quá khứ) hiện tại khoảng 12 lần, trong khi các thị trường khác (Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia) đều cao hơn Việt Nam (khoảng 16 lần). ROE của VN-Index đạt khoảng 15%, cao hơn mức 9 – 10% của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tỉ giá ổn định là yếu tố quan trọng giúp NĐT nước ngoài quan tâm hơn tới TTCKVN.
Theo Lê Anh / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ