Hội thảo do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhằm trao đổi, thảo luận và đề ra các giải pháp thiết thực phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục hồi sau dại dịch Covid-19 và sẵn sàng hội nhập quốc tế. Trong đó, chủ đề: "Quản trị tài sản trí tuệ trong Doanh nghiệp: Định hướng phát triển thương hiệu bền vững và khai thác phương thức nhượng quyền" thu hút sự quan tâm của các đại biểu.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Thạc sĩ Võ Duy Tuyến, Chuyên gia Sở hữu trí tuệ (SHTT) CEO SHTT Việt Mỹ IPC, cho rằng, ngày nay tài sản trí tuệ chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng số khối tài sản của doanh nghiệp (DN). Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ xuất hiện rất nhiều tài sản trí tuệ tồn tại dưới các đối tượng như: Quyền tác giả, nhãn hiệu sản phẩm, logo doanh nghiệp, sáng chế, kiểu dáng của sản phẩm, bí quyết kinh doanh, …
Để nhận diện và khai thác được giá trị thương mại của tài sản trí tuệ thì doanh nghiệp cần thực hiện các bước quản trị tài sản trí tuệ. Cũng giống như các đối tượng khác trong doanh nghiệp cần được quản trị, như: Quản trị tài chính, quản trị nhân sự, quản trị rủi ro thì tài sản trí tuệ cũng là một đối tượng rất quan trọng cần được quản trị. Thực tế, tài sản trí tuệ chính là tài sản được tạo dựng sớm nhất, đầu tư công sức nhiều nhất, mang lại hiệu quả cao nhất và bền vững nhất cho doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề sử dụng, khai thác, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ (hay còn được gọi là quản trị) là hết sức quan trọng, nó quyết định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ bao gồm các đối tượng sau: Tên thương mại; bí mật kinh doanh; các đối tượng khác như: Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu...
Theo chuyên gia Võ Duy Tuyến, việc đầu tư để tạo dựng, đăng ký, sử dụng, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ (còn được gọi là quản trị) là hết sức cần thiết đối với bất cứ một DN nào, nhất là khi các tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng đối với mỗi nền kinh tế và DN trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay. Vấn đề đặt ra là, việc quản trị các tài sản trí tuệ được thực hiện như thế nào, làm cách nào để có hiệu quả nhất giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN, đó là những nội dung mà DN cần quan tâm.
Ông Tuyến nhấn mạnh: Việc đầu tiên của quản trị tài sản trí tuệ mà DN cần làm, đó là thống kê, đánh giá và phân loại các tài sản trí tuệ hiện có trong DN. Việc thống kê các tài sản trí tuệ cần được thực hiện dựa theo bản chất (nội hàm) và quy định của pháp luật đối với từng đối tượng. Nếu tài sản trí tuệ là các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp thì có thể thuộc một trong hai loại sau: Loại thứ nhất gồm: Các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không cần đăng ký, như tên thương mại, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu nổi tiếng. Loại thứ hai gồm: Các đối tượng mà quyền sở hữu công nghiệp chỉ được xác lập thông qua đăng ký, như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Với tên thương mại và bí mật kinh doanh thì DN phải xem xét hiện trạng pháp lý của các đối tượng đó có thỏa mãn các tiêu chuẩn bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ không.
Tiếp theo việc thống kê, đánh giá các đối tượng, DN cần thực hiện việc đăng ký các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu nào thỏa mãn tiêu chuẩn bảo hộ nhưng nộp đơn sớm nhất (kể cả đơn của người nước ngoài).
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi nhiều nội dung thiết thực, cấp bách hiện nay như: Giải pháp triển khai chuyển đổi số bán hàng hiệu quả (số hóa kênh bán hàng) cho doanh nghiệp; xu hướng kinh tế số trong phát triển năng lực doanh nghiệp và hội nhập quốc tế; chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, v.v..,
Theo Lê Mạnh / Ngày Mới Online