Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM: Ứng dụng GPT cần hiệu quả và cẩn trọng rủi ro

06/03/2023 14:58

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM cho biết, Sở đang tổng hợp và tóm tắt các thông tin quan trọng nhất về ChatGPT để có hướng dẫn, khuyến nghị cho các cơ quan nhà nước của thành phố để sử dụng hiệu quả nhưng cẩn trọng trước những rủi ro, hạn chế của ChatGPT.

Đây là thông tin được Sở TT&TT TP.HCM cập nhật sau tọa đàm về ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: cơ hội và thách thức, diễn ra vào ngày 1/3 tại TP.HCM. 

Hiện nay, ngày càng nhiều người sử dụng ChatGPT nhưng chưa có đơn vị nào ở TP.HCM cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống và có đánh giá về những lợi ích, rủi ro và cảnh báo. Tọa đàm về "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức" mang tính chất khoa học, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về bản chất, hướng phát triển, cơ chế bảo mật, những rủi ro và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng ChatGPT. 

Tại sự kiện, Sở TT&TT đưa ra thông tin đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT trong 4 lĩnh vực bao gồm: hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (chatbot, tổng đài 1022, ...); hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố (trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu...); xây dựng hệ thống trợ lý học tập cho các cấp học tại thành phố (giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh các cấp); nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.

Việc đặt hàng là phù hợp chủ trương cơ quan nhà nước đặt hàng nghiên cứu các lĩnh vực chưa rõ để nhà khoa học, trường học nghiên cứu, từ đó xác định hướng phát huy tiếp theo. 

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ và phân tích nhiều ý kiến, góp ý và làm rõ hơn các đặt hàng này. Bên cạnh đó, các giảng viên, đại diện doanh nghiệp và sinh viên đã tham dự hội nghị và phát biểu để cùng có thông tin về ChatGPT ở nhiều góc độ, thu được nhiều thông tin hữu ích. 


Tham dự tọa đàm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM rất quan tâm đến các ứng dụng khoa học công nghệ. Sự ra đời của ChatGPT, cũng như sự ra đời của iPhone 1, đã thay đổi cách giao tiếp giữa người và máy. Không nên tuyệt đối hóa ChatGPT và cũng không nên sợ nó. “ChatGPT cũng là một ứng dụng do con người tạo ra và quan trọng là sử dụng như thế nào. Như việc chúng ta cầm con dao trong tay, dùng con dao có ích trong đời sống hay dùng để gây thương tích cho người khác”, Phó chủ tịch TP.HCM chia sẻ. 

Theo ông Dương Anh Đức, ChatGPT mạnh theo nhiều nghĩa, đã tạo ra làn sóng hấp dẫn nhất định. Không chỉ riêng ChatGPT, các ứng dụng của AI là cái bắt buộc phải nghiên cứu để đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố và cuối cùng là phục vụ người dân. “Chúng ta nhanh nhẹn nắm bắt nhưng phải sáng suốt, tỉnh táo và cũng không nên phản ứng tiêu cực với cái mới. Nếu chúng ta chậm thì sẽ tụt hậu, mất đi sứ mệnh đầu tàu trong sáng tạo đổi mới của TP.HCM”, ông Đức khẳng định.

Hoàng Nguyễn

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp