Số liệu vừa công bố cho thấy, tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản tại MB Bank ghi nhận đạt 656.800 tỷ đồng, trong đó số dư tiền gửi khách hàng là 377.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của MB Bank đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng gần 62% so với cùng kỳ. Trong quý, trích lập dự phòng giảm xuống còn 962 tỷ đồng, tương đương giảm gần 46%.
Các khoản mang lại lợi nhuận đến từ hoạt động tín dụng tăng trưởng 38% mang về gần 26.400 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 46% và 64%, tương ứng đạt 1.340 tỷ và 127 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021).
Ngược lại, các hoạt động đầu tư chứng khoán tại MB Bank ghi nhận giảm với lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 1,7% và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán giảm 16,7%. Khoản lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,6% , các hoạt động kinh doanh khác giảm 28% tương ứng doanh thu về lần lượt là 1.243 tỷ và 136 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021).
Đáng chú ý, nợ xấu ngân hàng MB tăng 35% so với cuối năm trước với nợ dưới tiêu chuẩn tăng 16,7%, nợ nghi ngờ tăng 20,7%, nợ có khả năng mất vốn tăng tăng 85% (từ 819 tỷ lên 1.515 tỷ đồng). Do đó, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên hơn 1% so với mức 0,9% hồi đầu năm nay.
Được biết, trong năm 2022, MB Bank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.300 tỷ đồng. Trong khi hết quý III năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã đạt hơn 18.190 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù số nợ có dấu hiệu tăng nhưng đến thời điểm hiện tại, MB Bank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Ngân hàng TMCP Quân Đội vừa thay đổi biểu lãi suất huy động mới và tăng 1-1,2%/năm. Đối với kỳ hạn 2-6 tháng, lãi suất tăng lên mức kịch trần cho phép là 6%/năm, với kỳ hạn 6–8 tháng tăng 1% lên 7,6%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 7,7%/năm. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 60 tháng có lãi suất lần lượt là 8%, 8,3%, 8,4% và 8,6%/năm, tăng khoảng 1,2% so với biểu lãi suất cũ. |
Theo X.H / Ngày Mới Online