Theo chỉ tiêu được duyệt, tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 4.364 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế âm 550 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu Công ty mẹ: không có lợi nhuận; thuế và các khoản phải nộp nhà nước 115 tỷ đồng; không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; kế hoạch vốn đầu tư nhỏ hơn hoặc bằng 35 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu kế hoạch này chưa tính đến yếu tố khách quan do thay đổi cơ chế, chính sách: Đề án giao, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhóm giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng chỉ tiêu tổng doanh thu đã bao gồm doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2022.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm khẩn trương triển khai nhiệm vụ liên quan tới phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và theo quy định; đảm bảo phát huy hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, tạo đòn bẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Cùng với đó phối hợp, chủ động làm việc với các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Xây dựng, trình phê duyệt Kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025.
"Rà soát danh mục dự án dự kiến đầu tư trong năm 2022 phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư. Chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phù hợp với khả năng triển khai thực hiện và giải ngân trong năm 2022. Bảo đảm việc đầu tư hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của nhà nước và doanh nghiệp", Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo.
Trước đó, đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến vận tải đường sắt, nhất là vận tải hành khách, kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty bị giảm sút nghiêm trọng, lợi nhuận sau thuế âm 677,6 tỷ đồng.
Riêng Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu thực hiện được 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với cùng kỳ và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng.
Năm 2022, toàn Tổng công ty dự kiến thực hiện được sản lượng và doanh thu bằng 89% trở lên so với cùng kỳ; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Công ty mẹ dự kiến doanh thu bằng 108,4% trở lên so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 100 tỷ so với năm 2021. Doanh thu trực tiếp từ vận tải bằng 107,6% trở lên so với cùng kỳ.
[https://bnews.vn/phe-duyet-ke-hoach-kinh-doanh-duong-sat-du-kien-lo-550-ty-dong/241932.html?fbclid=IwAR30eB7NYcfF6lqP3S0K0tWesaFDwF4kPZmGukTdIIOKq8A74LS3cgQqJWY]
Theo Theo TTXVN / Ngày Mới Online