TPS báo lỗ 129 tỉ đồng quý 2/2022
CTCP Chứng khoán Tiên Phong (Mã CK: ORS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với doanh thu hoạt động lên tới 661,7 tỉ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, nguồn thu này không đủ để bù đắp chi phí hoạt động phát sinh trong kỳ của ORS, khiến công ty chứng khoán này báo lỗ sau thuế 128,9 tỉ đồng (cùng kỳ quý 2/2021 báo lãi 53,7 tỉ đồng).
Theo báo cáo tài chính, chi phí hoạt động trong quý 2/2022 của ORS chủ yếu đến từ khoản lỗ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL), ở mức 527,8 tỉ đồng, cao gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ở hướng ngược lại, lãi từ hoạt động này của ORS chỉ đạt 279,4 tỉ đồng. Kết thúc quý 2/2022, ORS đã lỗ luỹ kế tới 552,1 tỉ đồng từ việc bán các tài sản tài chính FVTPL, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và chứng chỉ tiền gửi.
Trong đó, các lô trái phiếu mã RHGCH2124005 và RHGCH2124006 của CTCP Tập đoàn R&H (R&H Group) khiến ORS phải hạch toán lỗ nhiều nhất, lên tới 189,5 tỉ đồng. Ngược lại, phần lãi từ giao dịch bán trái phiếu của R&H Group chỉ đạt 73,4 tỉ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng giá trị trái phiếu chưa niêm yết của ORS ở mức 90 tỉ đồng, giảm mạnh từ mức 775 tỉ đồng ghi nhận hồi đầu năm. Trong đó, ORS chỉ còn nắm giữ 7,2 tỉ đồng trái phiếu R&H Group - có mã RHGCH2124006 - với giá trị hợp lý 6,9 tỉ đồng.
Như VietTimes từng đề cập, ORS có mối quan hệ đối tác khá bền chặt với giới chủ đứng sau R&H Group và từng tham gia xếp nhiều đợt phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp này. Trong nhiều đợt phát hành, ORS vừa là đại diện người sở hữu trái phiếu và cũng là đại lý thanh toán trái phiếu.
Phép tính "lỗ kỹ thuật"
Ở thị trường Việt Nam, không chỉ riêng ORS, các công ty chứng khoán (CTCK) thường sắm nhiều vai trong các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Họ vừa là đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý thanh toán trái phiếu, và nếu cần, cũng là nhà đầu tư sơ cấp, mua trọn lô trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, rồi ‘chia nhỏ’ đem bán cho nhà đầu tư cá nhân.
Nên biết, trước ORS, một CTCK khác từng ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.422,7 tỉ đồng từ việc bán trái phiếu chưa niêm yết, qua đó hạch toán khoản lỗ thuần 1.273,7 tỉ đồng từ bán các tài sản tài chính.
Lưu ý, khoản lỗ vừa nêu chưa bao gồm 1.015,2 tỉ đồng tiền cổ tức, tiền lãi mà CTCK đã nhận được trong năm từ việc nắm giữ các tài sản này.
Hiểu một cách giản đơn: các CTCK mua trái phiếu từ tổ chức phát hành rồi xé lẻ bán thứ cấp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, kỳ hạn thanh toán cũng sẽ được thiết kế linh hoạt hơn. Khi nhà đầu tư nhỏ lẻ bán lại trái phiếu, các CTCK thực hiện mua lại, họ phải thanh toán trái tức luôn cho các nhà đầu tư này, và nó được tính vào chi phí. Còn với công ty chứng khoán, thường phải đến cuối kỳ (hoặc cuối năm hoặc đến kỳ hạn), họ mới được tổ chức phát hành trả coupon hoặc tất toán trái phiếu. Đến lúc đó, thường họ mới ghi nhận doanh thu tài chính.
Thực ra, pháp luật kế toán cũng cho phép các CTCK ghi nhận doanh thu sớm hơn, có thể ngay đầu kỳ. Nhưng nếu hạch toán sớm, DN có lợi nhuận, họ sẽ phải đóng thuế. Mà khoản đầu tư trái phiếu vẫn tiềm ẩn rủi ro về sau, trong trường hợp tổ chức phát hành không thể thực hiện cam kết. Đã chót nộp thuế trước, sau đi đòi sẽ khá phức tạp.
Ngược lại, khi ghi nhận doanh thu tài chính sau, khoản ‘lỗ kỹ thuật’ sẽ giúp CTCK này gia tăng chi phí, giảm lợi nhuận, và từ đó giảm bớt số thuế phải nộp trong khi chờ dòng tiền từ cổ tức, tiền lãi từ các tài sản tài chính đổ về.
Trong trường hợp của ORS và CTCK mà VietTimes đề cập, là nguồn tiền trái tức được trả định kỳ từ doanh nghiệp phát hành.
Như đã nói, rủi ro lớn nhất của họ vẫn là doanh nghiệp phát hành không trả được lãi, gốc trái phiếu. Khi ấy, việc giảm số thuế phải nộp nhờ khoản ‘lỗ kỹ thuật’ từ trước đó chẳng khác nào một khoản lợi nhuận, giảm bớt thiệt hại cho CTCK./.
Theo Viettimes