Dệt may bền vững và tuần hoàn
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), đánh giá: trong bối cảnh kinh tế mới, tác động của dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới sự suy thoái của nhiều nền kinh tế trên thế giới, ngành dệt may, da giày Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn.
Các thị trường nhập khẩu lớn tiếp tục giảm đơn hàng, bên cạnh đó nhiều năm gần đây các thị trường này liên tục đưa ra các tiêu chuẩn xanh về lao động, nguyên vật liệu và điều kiện sản xuất. Những yêu cầu sau ngày càng nghiêm ngặt hơn yêu cầu trước. Trong đó, nổi bật là “Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn” với tầm nhìn đến năm 2030 do EU đề xuất.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết: “Hiện nay, EU xanh hóa sản phẩm dệt may, phát triển chuỗi cung ứng dệt may mang tính bền vững. Trong 2 - 3 năm tới, nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đi theo hướng phát triển bền vững rất khó thâm nhập thị trường EU, Mỹ, Nhật và cả các thị trường khác trên thế giới đang đi theo xu hướng này. Ngành dệt may nếu sản xuất thông thường, làm theo kiểu truyền thống, rất khó cạnh tranh với các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan...”
Các nước đang hướng tới phát triển khu công nghệ cao, nắm bắt thị hiếu của xu hướng, DN mang công nghệ cao vào sản xuất, nếu công nghệ không còn phù hợp nữa họ sẽ tháo ra và lắp công nghệ, dây chuyền mới. Đây là hướng đi bền vững, Việt Nam chưa làm được điều này.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Giám đốc Faslink, cho biết công ty đã phát triển thời trang theo hướng tiêu dùng xanh, sản xuất bền vững đúng theo xu hướng thế giới hiện nay. Để cạnh tranh được với thời trang thế giới, DN cần đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm và chủ động trong cung ứng nguyên liệu. Giải pháp là tạo các trung tâm sáng tạo và kết nối chuỗi cung ứng chủ động, chặt chẽ.
Theo bà Xuân, chi phí cho sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh khá cao nên cần sự thay đổi tư duy tiêu dùng để DN có thuận lợi chuyển đổi xanh trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, Luật môi trường đã được áp dụng triệt để và sự tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc phát triển bền vững, tiêu dùng sản phẩm xanh là xu hướng tất yếu.
Tận dụng thế mạnh, tăng liên kết
Theo ông Việt, hiện nay, trong công nghệ hỗ trợ làm vải theo thị trường, ngành dệt Việt Nam đang phát triển tốt và tạo giá trị cao hơn so với các công đoạn khác. Kế đến là ngành wax áp dụng công nghệ cao cũng giúp tăng giá trị sản phẩm lên 20% - 30%. Đầu tư công nghệ cần vốn cao, nhưng thời gian khấu hao và thu hồi vốn tốt và đặc biệt thị trường trong tương lai tốt, DN mạnh dạn đầu tư sẽ cạnh tranh được với các nước đang phát triển.
EU liên tục đổi mới, nghĩ về khách hàng và những người làm trong môi trường cung cấp sản phẩm dệt may nên đặt ra các tiêu chuẩn ngày càng cao, khắt khe về sản phẩm, người lao động, khách hàng, trách nhiệm xã hội.... Các nước yêu cầu xanh hóa ngành dệt may, phát triển bền vững, khuyến khích sử dụng nguyên liệu đầu vào tự nhiên, kéo dài tuổi thọ sản phẩm để không sản xuất dệt may nhanh như trước nữa. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao môi trường làm việc, đời sống công nhân, không gây ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, EU nghiên cứu rất sâu thị hiếu, hành vi mua sắm của người tiêu dùng để chinh phục thị trường; quan tâm đầu ra sản phẩm và định hướng, yêu cầu ngược lại cho DN sản xuất. Trong khi đó, DN Việt Nam còn yếu ở khâu nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, đầu tư thiết kế; chủ yếu sản xuất sản phẩm gì, bán sản phẩm đó. |
Ông Việt cho rằng, DN cần phải đi theo hướng thiết kế sản phẩm làm sao cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm online và nắm bắt được thị hiếu của khách qua thế giới phẳng. Nếu DN có mục tiêu, chiến lược rõ ràng, tiếp cận được công nghệ hiện đại để phát triển thương hiệu thì ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển bền vững. DN cũng cần liên kết và phát triển thương mại điện tử.
“Riêng Việt Thắng Jean bán hàng online, doanh số tăng 30% - 40%. Thời điểm kẹt hàng ở EU, công ty đã tăng cường bán hàng qua thương mại điện tử và giải quyết được việc làm cho người lao động. DN nên duy trì song song cửa hàng vật lý để giới thiệu sản phẩm và phát triển thương mại điện tử để đẩy mạnh doanh số, tăng nhận diện thương hiệu”, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jean khuyến nghị.
Theo bà Xuân, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN cần nguồn vốn và công nghệ. Châu Á đang là điểm đến của Thế giới, DN cần liên kết mạnh mẽ để tận dụng thuận lợi này. Tạo được sản phẩm ngày càng tốt cho người tiêu dùng, DN Việt Nam mới có cơ hội thành công. DN áp dụng kinh tế tuần hoàn, nguyên liệu thải ra của ngành này là nguyên liệu đầu vào của ngành khách và DN tận dụng sợi tre, sợi cà phê, sen, bạc hà... để tạo ra sản phẩm thời trang xanh. Sản phẩm làm ra từ công nghệ mới nhưng phải đảm bảo tính khả thi, giá cạnh tranh, thương mại tốt.
Ông Phú Lữcho biết ngành Dệt may - Da giày được đánh giá là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn (đứng thứ hai sau dầu thô). Đặc biệt, DN thuộc hai lĩnh vực này tập trung phần lớn ở TP.HCM với năng lực sản xuất tương đương 40% - 50% cả nước. Mặc dù ngành dệt may còn đối diện với nhiều khó khăn, song nhiều DN đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường, chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ…
“Dệt may, da giày là một trong những ngành sản xuất gia công chủ lực của Việt Nam, đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động, tài nguyên. Việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là thách thức lớn. Bên cạnh đó, các nhãn hàng thời trang thế giới đánh giá sự phát triển đồng hành của các DN gia công trên cơ sở tuân thủ các quy định về môi trường, xã hội, và trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để DN tập trung đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu với người tiêu dùng”, lãnh đạo ITPC nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu thị trường tăng cao, công ty sản xuất tốt, xuất khẩu tăng trưởng 22%. Tuy nhiên, nếu gia công, đối tác nước ngoài lo đầu ra cho sản phẩm thì thuận lợi, còn bán sản phẩm thương hiệu của công ty thì việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, kẹt cảng và logistic không lấy hàng ra được. Trong 3 tháng 7, 8, 9/2022 xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Sức mua của EU và Mỹ giảm 30% - 60%, các thị trường khác cũng giảm; những thị trường mới hiệu quả cũng không cao. Trước tình hình trên, trong cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, cho công nhân nghỉ Tết sớm từ 40 - 60 ngày. Thời gian nghỉ Tết cũng kéo dài hơn so với thông thường, từ 25 - 30 ngày. Dự báo tình hình này sẽ kéo dài đến hết quý 2/2023, ngành dệt may mới có thể phục hồi. Các công ty đang tăng cường tìm kiếm thị trường mới như Canada và phát triển thị trường nội địa. Khoảng 10 triệu dân trong nước sử dụng phân khúc sản phẩm dệt may, da giày của công ty, giúp DN giải quyết được khó khăn và tạo việc làm cho lao động trong giai đoạn hiện nay. Nhiều DN cũng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa để vượt qua khó khăn trước mắt. - Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - |