Hợp tác đẩy mạnh bình ổn thị trường
Tại Hội nghị “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM” mới đây, đại diện Sở Công thương nhiều tỉnh, thành mong doanh nghiệp (DN) BOTT của TP.HCM đồng hành cùng DN các tỉnh BOTT; tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp tạo điều kiện để DN TP.HCM tiếp cận thị trường tỉnh.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, hiện nay nhiều DN TP.HCM chưa thật sự mặn mà trong việc đăng ký BOTT cùng với tỉnh. Việc kết nối với các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu có quy mô lớn trong các khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa nhận được nhiều sự chủ động, hợp tác của các đơn vị.
Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, nhìn nhận tỷ trọng hàng BOTT của DN TP.HCM trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng nhiều, đặc biệt là hàng chế biến. Các DN tỉnh Long An cũng tham gia chuỗi BOTT nhưng hiện chủ yếu là mặt hàng nông sản. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 25 - 30 chuỗi nông sản an toàn. TP.HCM nên xem xét quy chế tham gia chương trình BOTT cho DN các tỉnh, thành khác cùng tham gia. Tỉnh Long An sẽ đồng hành cùng TP.HCM kết nối nhiều DN trên địa bàn tỉnh cùng tham gia BOTT để người dân có cơ hội mua sản phẩm chất lượng, giá tốt.
Bà Lệ cho biết tỉnh cũng đã triển khai chương trình BOTT trên địa bàn nhưng còn gặp nhiều khó khăn, cần TP.HCM chia sẻ cách làm, kinh nghiệm. Ban đầu, Sở Công thương tỉnh ứng ngân sách hỗ trợ các DN BOTT; tuy nhiên việc này vi phạm quy định sử dụng ngân sách Nhà nước nên 6 - 7 năm nay đơn vị này không ứng ngân sách nữa. Sở cũng đã liên hệ các ngân hàng hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để BOTT, nhưng mức lãi suất cũng không thấp hơn lãi suất vay thông thường. Cần có chính sách ưu đãi, lãi vay ưu đãi riêng cho DN BOTT để hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tham gia BOTT.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nay, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất nông sản hiện đang tăng cao, nhưng phối hợp thực hiện BOTT với TP.HCM, DN tỉnh Đồng Tháp vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa cho thị trường TP.HCM với giá ổn định, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, các DN, cơ sở sản xuất của tỉnh Đồng Tháp đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất còn hạn chế, giá thành một số sản phẩm còn cao nên tham gia chương trình BOTT thiếu bền vững.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cũng đánh giá việc gắn kết giữa các DN TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp trong xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản hiện chưa đạt được nhiều kết quả, do chưa có nhiều nhà đầu tư, DN TP.HCM mạnh dạn tham gia với vai trò dẫn dắt chuỗi các mặt hàng nông sản trái cây của tỉnh. Các DN, Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.
Tăng chất lượng bình ổn thị trường
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị TP.HCM chủ trì phối hợp các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh và năng lực sản xuất, nhu cầu tiêu thụ của các DN để hình thành kênh thông tin tin cậy nguồn nguyên liệu - phân phối. Từ đó đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, liên kết vùng giữa các địa phương.
“Cần sớm triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP.HCM và các tỉnh, nhằm liên kết vùng giữa các địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng phục vụ thị trường TP.HCM và cung ứng hàng hóa lại cho các tỉnh góp phần BOTT TP.HCM và các tỉnh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Long An cũng chỉ ra với lợi thế giáp TP.HCM, chuỗi cung ứng hàng hóa từ Long An vào TP.HCM thông suốt, ít bị ảnh hưởng hơn so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; có nhiều cụm công nghiệp... và kêu gọi hợp tác các dự án đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, đặc biệt là dịch vụ logistic, sơ chế nông sản...; mong muốn các DN TP.HCM hợp tác đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cũng cho rằng cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và Bình Dương vì cung, cầu tại Bình Dương rất lớn với hơn 2 triệu lao động... Đơn vị này mong các DN TP.HCM mở rộng đầu tư kho bãi, hệ thống logistic, mở rộng BOTT tại Bình Dương. “Sân chơi” BOTT mở rộng cho các DN tỉnh thì sẽ giảm được chi phí logistic.
Ở góc độ nhà phân phối, đại diện MM Mega Market nêu thực tế hiện nay là có một số DN tham gia bình ổn những mặt hàng không phổ biến, không phải là mặt hàng chủ lực của DN hoặc là mặt hàng tiêu dùng không thường xuyên nên chưa mang lại hiệu quả bình ổn thiết thực cho người tiêu dùng và cũng chưa phát huy được giá trị dẫn dắt, định hướng thị trường. Đơn vị này kiến nghị cần tối đa hóa hoặc thống nhất một danh sách các sản phẩm thiết yếu thực hiện bình ổn trên cơ sở chọn lọc, tính toán nhu cầu thị trường đối với những sản phẩm đó sẽ hạn chế tối đa việc tham gia BOTT cho có, không đi vào giá trị thực chất.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM (VFA), để gia tăng tính hiệu quả của chương trình BOTT, các sở, ban, ngành cần phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng BOTT trong giai đoạn 2023 - 2032. Đồng thời, hỗ trợ các DN bán lẻ thông qua hệ thống phân phối của họ tiếp cận và tăng cường đưa sản phẩm BOTT đến các nhóm khách hàng chuyên nghiệp là nhà hàng, khách sạn, công ty... để người tiêu dùng nhiều nơi có thể sử dụng hàng hóa bình ổn dễ dàng với giá tốt.
Song song đó, lãnh đạo VFA kiến nghị các sở, ngành cần hỗ trợ kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối... cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi sẽ nâng cao được hiệu quả của chương trình BOTT.
TS. Trần Tiến Khai - Đại học Kinh tế TP.HCM, đánh giá hiện nay việc liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh chưa đủ mạnh, do có sự khác biệt ở khâu quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tác động tới việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa giữa TP.HCM và các Tỉnh. Thực tế, vẫn còn 70% sản lượng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh cung cấp cho TP.HCM hiện nay chưa kiểm soát được; rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm tới tay người tiêu dùng khó đảm bảo ATTP... Chỉ khoảng 30% sản lượng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh vào TP.HCM được kiểm soát thông qua các hệ thống phân phối hiện đại. “Nhà nước nên nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý ATTP hợp nhất ở các quốc gia, cụ thể là nhân rộng mô hình quản lý ATTP tại TP.HCM ra các tỉnh thành khác, tránh những bất cập khi ba Bộ cùng quản lý như hiện nay. Bên cạnh đó, TP.HCM cần hỗ trợ thiết thực cho người sản xuất tham gia chuỗi giá trị thực phẩm an toàn...”, TS. Khai nhấn mạnh. |