Khuyến khích các DN làm ăn chân chính là nền tảng phát triển TTCK

22/04/2022 09:45

(Chinhphu.vn) – Các hành vi thao túng phải bị xử phạt nghiêm minh, ngược lại những DN làm ăn chân chính phải được ủng hộ hết mức để thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững, vì đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng với DN cũng như nền kinh tế.

Khuyến khích các DN làm ăn chân chính là nền tảng phát triển TTCK - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Những DN làm ăn chân chính phải ủng hộ hết mức để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, vì đây vẫn là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế - Ảnh: VGP

Đây là ý kiến của Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với báo chí về hoạt động của thị trường tài chính thời gian qua.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị như Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Quản lý-Giám sát kế toán, kiểm toán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)… tăng cường giám sát kiểm tra, đấu tranh với các hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).

Với thị trường cổ phiếu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá so với trước kia, thị trường này đã có bước phát triển tốt thời gian vừa qua. Các DN tham gia thị trường cổ phiếu phát triển khá sôi động.

Trong đó, có nhiều DN tham gia thị trường thể hiện được vị trí vai trò, kết quả sản xuất kinh doanh, thương hiệu DN… qua việc vốn hoá trên TTCK. Đây là điều đáng khích lệ. Nhưng thời gian gần đây do những tác động tin đồn, dư luận khiến TTCK, đặc biệt thị trường cổ phiếu chao đảo. Dù vậy, về dài hạn, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá tiềm năng thị trường vẫn tốt. Việc các DN tham gia TTCK có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt nên ngay khi giá cổ phiếu đi xuống thì các DN nước ngoài lại mua vào rất nhiều. Ví dụ, mới đây, có ngày nước ngoài mua vào hàng nghìn tỷ đồng. Đây là điều mà các DN, nhà đầu tư cần chú ý.

Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định một TTCK được phát triển minh bạch, bền vững sẽ là kênh huy động vốn rất tốt cho nền kinh tế.

Về trái phiếu DN, nhất là trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, vừa qua có một số vấn đề liên quan đến sai phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, như các hành vi thao túng TTCK, thông tin sai sự thật, tài sản không phải của mình. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định đây là hiện tượng cá biệt riêng lẻ, còn đại đa số các DN phát hành TPDN riêng lẻ đều làm đúng quy định, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế.

Hạn chế tối đa "lỗ hổng" thị trường

Chia sẻ về những ưu tiên trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ hạn chế tối đa lỗ hổng, nhược điểm của thị trường, tăng cường tính minh bạch cho thị trường TPDN riêng lẻ.

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ uy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Cơ quan quản lý sẽ siết lại việc phát hành, quản lý chặt các công ty chứng khoán chuyên nghiệp, các báo cáo kiểm toán bảo đảm sự minh bạch. Các công ty kiểm toán độc lập phải có trách nhiệm cao trong việc kiểm toán các báo cáo tài chính.

Chắc chắn những DN thua lỗ, nhiều nợ xấu, không bảo đảm an toàn tài chính sẽ bị kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn mục đích, phạm vi phát hành, điều kiện phát hành trái phiếu.

Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, khi phát hành phải đăng ký cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm huy động vốn tập cho dự án sản xuất kinh doanh, không để tình trạng huy động vốn cho vay lại, trả nợ, hay huy động vốn để tái cơ cấu tài chính

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường hiệu quả giám sát, trường hợp nào vi phạm phải thanh tra xử lý theo chứng quy định, tôi tin tưởng TTCK, đặc biệt TPDN vẫn có thể phát triển tốt và bền vững. Thị trường TPDN vẫn là kênh huy động vốn quan trọng cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt ở giai đoạn hậu COVID-19", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Khuyến khích các DN làm ăn chân chính là nền tảng phát triển TTCK - Ảnh 2.
Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới những diễn biến và sự phát triển của thị trường chứng khoán và tiền tệ.

Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới những diễn biến và sự phát triển của thị trường chứng khoán và tiền tệ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ.

Còn tại Lễ công bố, kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/4, nhắc tới một số vụ án, vụ việc vừa qua liên quan tới thị trường chứng khoán, thị trường TPDN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân tích rõ về khách quan, Việt Nam là một nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, mọi công việc phải làm theo hướng nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình đó, cần nhìn thẳng vào sự thật để điều chỉnh phù hợp, không cầu toàn, không nóng vội. Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra "chúng ta cần làm tốt hơn từ thể chế, tổ chức thực hiện, tuyên truyền".

Từ thực tiễn phát triển thị trường tài chính, TTCK, chúng ta cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực, những mặt được, đồng thời nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, bất cập để khắc phục, ai làm đúng thì khuyến khích, động viên, khen thưởng, nhưng sai thì phải sửa, ai vi phạm phải bị xử lý theo quy định. 

"Công tác thông tin, tuyên truyền phải khách quan, trung thực, để nhà đầu tư để người dân, DN, nhà đầu tư tin tưởng khi thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật, góp phần giúp thị trường tài chính phát triển lành mạnh, bền vững", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


Theo Huy Thắng / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp