Dự báo 2023 nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn
Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và nhiều yếu tố rủi ro bất định. HUBA dự báo trong năm 2023 nền kinh tế trong nước cũng như trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng.
Từ giữa quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp đã gặp các khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực dệt may, da giầy, chế biến gỗ,…) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập; các doanh nghiệp (nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản,…) gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi do xung đột chiến Nga - Ucraina tác động đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là tâm lý xã hội chưa an tâm.
Ngoài ra, tình hình hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, người dân và xã hội.
3 kiến nghị của HUBA
Từ những khó khăn nêu trên, HUBA có 3 kiến nghị về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách hỗ trợ thị trường vốn trái phiếu và bất động sản.
Về chính sách tiền tệ, ngân hàng nhà nước nên có chính sách giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, cụ thể là tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau. Nhà nước cho vay ngừng việc, nghỉ việc và cho vay khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc luân phiên…, cần có chính sách hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước cần tăng cường công tác thanh kiểm tra các ngân hàng thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng chế tài cần thiết và thời hạn tới hết năm 2023.
Về chính sách tài khóa, việc miễn giảm thuế TNCN nên tiếp tục thực hiện từ tháng 7/2022 đế hết 30/6/2023 là cần thiết. Đồng thời, tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2024. Cần chỉ đạo quyết liệt việc giải quyết hoàn thuế đúng thời hạn cho doanh nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ thị trường vốn trái phiếu và bất động sản, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhà nước cũng cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội.
Ngoài ra, HUBA cũng đưa ra một số đề xuất khác như: đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường các giải pháp bình ổn thị trường để giữ giá cả và ổn định đời sống nhân dân; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp chủ quyền nhà - đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ tục hoàn công xây dựng … để người dân, doanh nghiệp hoàn tất pháp lý chủ quyền có thể thế chấp vay vốn đưa vào asản xuất kinh doanh.
HUBA cũng đề xuất “mở trói” cho cơ chế quản lý để đất nông nghiệp được sử dụng vào đúng mục đích phát triển nông nghiệp ở mọi cấp độ công nghệ từ thấp đến cao. Hiện nay nhiều đất đai ven đô bỏ hoang chờ lên giá gây lãng phí của cải xã hội, người dân sử dụng đất đều bị cản trở không được phép làm công trình phát triển trồng trọt, chăn nuôi trên đất nông nghiệp.