Hạn chế xuất các loại trái cây này vào các thị trường châu Âu

14/10/2022 18:16

Đó là lưu ý của ông Huỳnh Lê Linh Vũ, Chuyên gia Nghiên cứu thị trường trong mạng lưới của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) tại Hội nghị “Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thích ứng rào cản thương mại trong tình hình mới” diễn ra tại TP.HCM vào hôm nay (14/10).

Ông Linh Vũ cho rằng, Mỹ, Úc, Châu Âu là những thị trường khó tính, ngay cả Trung Quốc hiện nay cũng vậy. Chẳng hạn, mỗi quốc gia có quy định riêng như Mỹ, Trung Quốc đến nay mới cho một số trái cây Việt Nam xuất vào nước họ với điều kiện khá khắt khe. Mỹ đưa ra danh mục 5 hoạt chất cấm, nếu phát hiện lô hàng có 1 trong 5 hoạt chất này là cấm hẳn, tiêu hủy lô hàng. Hoặc cùng 1 sản phẩm là măng tây nhưng ngay cả khi phát hiện lô hàng có bọ trĩ, Hàn Quốc vẫn cho nhập vì họ cần mặt hàng này. Ngược lại, mặt hàng này nếu xuất vào Đài Loan (Trung Quốc), chỉ cần phát hiện có một con bọ trĩ là họ tiêu hủy cả lô hàng.

Cũng theo ông Linh Vũ, Châu Âu cho tất cả các loại trái cây Việt Nam nhập vào họ, tuy nhiên họ đưa ra những tiêu chuẩn, quy định rất ngặt nghèo. Đối với một số loại trái cây trồng ở nước ta như mãng cầu (trái na) rất dễ hóa giòi nếu trái chín hơi nhiều. Vì lô hàng xuất vào Châu Âu, chỉ cần thấy mặt hàng là mãng cầu, họ lập tức lấp mẫu ngẫu nhiên một vài trái và chỉ 2 ngày sau phát hiện trong trái cây này có giòi, họ quay phim, chụp hình gửi về cơ quan quản lý Việt Nam, phạt chính phủ Việt Nam số tiền khoảng 40.000 USD / 1 lô hàng vi phạm, đồng thời tiêu hủy lô hàng. “Có công ty xuất 3 lô bị phát hiện vi phạm cả 3 lô, không lô hàng nào xuất thành công. Tương tự, người châu Âu rất thích trái thanh long Việt Nam nhưng hầu hết thanh long nước ta xuất vào châu Âu đều bị phát hiện vi phạm, ngăn chặn. Vì thế chúng ta hạn chế xuất các loại trái cây này vào các thị trường châu Âu", ông Linh Vũ chia sẻ.

Ông Lê Viết Dũng Linh - Chuyên gia Nghiên cứu thị trường trong mạng lưới của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp đang có mong muốn tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Ông Linh Vũ cho rằng, trong “cuộc chơi” xuất nhập khẩu, mỗi quốc gia đều dựng rào cản nhằm bảo hộ sản xuất nội địa. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu phải tìm hiểu quy định, tiêu chuẩn của mỗi quốc gia mình hướng tới xuất khẩu hàng vào đó. “Châu Âu là xứ trồng cam, vì thế để bảo vệ người nông dân trong nước trồng cam, họ ra quy định rất khó cho chúng ta nếu muốn xuất loại trái cây này vào họ. Chẳng hạn, họ quy định kích thước, màu sắc trái cam. Họ lập luận, trái cam nên phải có màu cam, không được có màu khác. Nếu trái cam có màu xanh thì màu xanh không được vượt quá 1/5 màu cam. Trên thực tế cam sành Việt Nam có màu xanh, làm sao để xuất vào châu Âu?! Như vậy, chỉ còn một cách chúng ta đổi tên gọi trái cam thành trái khác, để né quy định về màu sắc mới có thể xuất vào châu Âu”, chuyên gia Linh Vũ kể một quy định dở khóc dở cười với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.


Các doanh nghiệp đến với hội nghị nhằm tìm hiểu thêm các thông tin, quy định mới về các thị trường tiềm năng

 ông Huỳnh Minh Vũ - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc Tế TP.HCM (CIIS) cho biết, hơn 2 năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam sớm phục hồi và phát triển kinh tế do tác động của dịch Covid-19 và những biến động kinh tế toàn cầu.

Với việc mở cửa thị trường hàng hóa, xóa bỏ thuế quan trong các FTA, các quốc gia nhập khẩu ngày càng có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản phi thuế quan (NTM) như là công cụ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước. Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nhận diện rõ các xu hướng của các thị trường, ngành hàng, các quy định về xuất nhập khẩu, yêu cầu về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) … thông qua sử dụng các công cụ phân tích hữu ích của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các ưu đãi do 15 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang thực thi mang lại.


Đại diện CIIS hy vọng hội nghị sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định mang lại để xuất khẩu hàng hóa

“Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, trao đổi những khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong quá trình tiếp cận thị trường và giao thương quốc tế, qua đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, đưa vào các hoạt động nghiên cứu tham mưu, giúp nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp tận dụng tối đa các cơ hội, giảm thiểu các thách thức trong thực thi các FTA và phát triển kinh tế đất nước”, ông Minh Vũ cho biết thêm.

 

"Cùng mặt hàng, có quốc gia cho nhập, có quốc gia buộc tiêu hủy, có quốc gia vừa tiêu hủy hàng vừa phạt tiền Chính phủ Việt Nam", Chuyên gia Linh Vũ cho biết.
HOÀNG GIA

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp