Google bắt đầu tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho 30.000 nông dân Việt Nam

03/06/2017 07:07

KHPTO - Ngày 26/5 vừa rồi, Google đã chính thức công bố hoạt động hỗ trợ Hội nông dân Việt Nam trong việc tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số thiết yếu cho hơn 30.000 nông dân ở 9 tỉnh của Việt Nam trong 3 năm sắp tới.

Ngoài ra, thông qua hoạt động hỗ trợ này, Google sẽ giúp Hội nông dân Việt Nam đào tạo 40 tập huấn viên và 500 cán bộ Hội viên - những người sẽ trực tiếp đào tạo cho 10.000 nông dân thông qua các buổi đào tạo ngoại tuyến. Hoạt động này dự kiến cũng sẽ mang lại lợi ích cho thêm 20.000 nông dân thông qua các chương trình đào tạo trực tuyến.

Hiện nay có gần 50% lực lượng lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức đóng góp GDP của ngành nông nghiệp tương đối thấp, chỉ ở mức 20%.

Canh tác nông nghiệp cũng đang bị đe dọa bởi những thách thức do đô thị hóa và biến đổi khí hậu gây ra. Google tin rằng công nghệ thông tin có thể giúp giải quyết một số thách thức và phức tạp, gồm cải thiện hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo khởi động chương trình tại Hà Nội, ông Eric Schmidt - chủ tịch Alphabet, nói: “Thông tin và công nghệ đang tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của hàng triệu người mỗi ngày. Bằng cách trang bị cho nông dân Việt Nam những kỹ năng sử dụng Internet và tìm kiếm thông tin hữu ích trên mạng, chúng tôi hi vọng họ sẽ có thể nâng cao kỹ thuật canh tác, nuôi trồng để tăng năng suất và tiếp cận với nhiều thông tin khác có giá trị trong cuộc sống hàng ngày”.

Ông Lại Xuân Môn - ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, chia sẻ: “Sự hỗ trợ của Tập đoàn Google cho Hội nông dân Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên nông dân về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và Internet là hết sức thiết thực và có ý nghĩa. Thực hiện thành công dự án sẽ góp phần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hương tăng giá trị gia tăng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân”.

Giám đốc Google khu vực Đông Dương Nam, nói rằng: “Nông dân Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo nguồn lương thực quốc gia, giúp phát triển ngành xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Bằng việc hợp tác với  Hội nông dân Việt Nam để đào tạo kỹ năng số cho nông dân và mang các sản phẩm và dịch vụ hữu ích của Google đến Việt Nam, chúng tôi hi vọng tiếp tục đóng vai trò đối tác cho sự phát triển liên tục và bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên số”.

Theo Google, chương trình đào tạo này đã được xây dựng với sự đóng góp của Hội nông dân Việt Nam và dựa trên kinh nghiệm thực tiễn thu thập được trong quá trình tiếp cận dự án từ năm 2016 - thời điểm việc tài trợ chính thức được triển khai.

“Sau chương trình thí điểm hồi quý 1 năm 2017, chúng tôi nhận thấy nhiều nông dân cần sự hỗ trợ liên tục sau khóa học. Do vậy, khóa học được mở rộng cho các thế hệ trẻ tiếp theo của các hộ nông dân tham gia vào chương trình. Bằng cách xây dựng một “hệ thống bạn học” gồm cả con và cháu của các hộ nông dân, cả già lẫn trẻ, tất cả đều được đào tạo về cách sử dụng các công cụ cơ bản và các ứng dụng hỗ trợ nông nghiệp để đảm bảo nông dân có thể nhận được sự hỗ trợ từ “bạn học” của mình sau khi kết thúc khóa học. Các giảng viên sẽ bắt đầu tham gia chương trình đào tạo vào cuối tháng này và sẽ lên kế hoạch tiến hành đào tạo lại cho nông dân vào tháng 7 tới đây”, đại diện Google, cho biết.

. Nông dân nói gì?

Theo choa sẻ từ bà Nguyễn Thị Thắm, 50 tuổi, hiện là Hội viên nông dân phường Đa Mai, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, là một trong những người được tham gia chương trình đào tạo thí điểm của Google và Hội nông dân Việt Nam hồi quý 1 năm nay, bà bắt đầu làm nông từ năm 15 tuổi. Cả ba thế hệ ông - bà, cha - mẹ và 5 chị em bà đều làm nông nghiệp. Đến nay vợ chồng bà sở hữu hơn 1 mẫu ruộng để trồng lúa và rau. Hồi tháng 2/2017, bà cùng cô con gái út 17 tuổi đã tham dự khóa đào tạo nói trên.

Tại hội thảo, lần đầu tiên bà Thắm được hướng dẫn cách sử dụng máy tính truy cập Internet để tìm hiểu thông tin về các giống rau an toàn và thông tin liên lạc của các thương lái, doanh nghiệp thu mua rau của bà.

Bằng cách truy cập Internet, bà Thắm đã biết được điều kiện thời tiết để lựa chọn giống lúa phù hợp, đồng thời có thể học hỏi kinh nghiệm gieo trồng ở những khu vực khác. “Trước đây, đối tác nói gì thì tôi nghe nấy, không thể xác thực được thông tin. Sau khóa học, tôi đã biết lên Internet để tra cứu thông tin và vui mừng khi biết những thông tin mà đối tác đưa ra là chính xác”, bà nói.

Con đường khám phá Internet của bà Thắm sẽ rất gian nan nếu không có sự trợ giúp từ cô con gái út và cháu gái của bà. Giờ đây, vào mỗi tối, con gái và cháu gái của bà, cũng là bạn học của bà, thường giúp bà tìm hiểu các thông tin bà cần trên Internet. Hiện tại, bà vẫn chưa tự đăng ký được địa chỉ email, nhưng hai cô gái trẻ ở cùng nhà có thể giúp bà gửi và nhận email bất cứ khi nào.

Bà Thắm nói rằng, bà rất sẵn lòng và háo hức tham dự thêm các khóa học tiếp theo về kỹ năng kỹ thuật số sau khi nhận ra các lợi ích thiết thực từ Internet.

Ông Phạm Văn Thắng - phó chủ tịch Hội nông dân xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, năm nay 40 tuổi và đã có thâm niên 20 năm làm nông nghiệp. Gia đình ông từ 3 - 4 thế hệ đều gắn bó với nghiệp nông. Với 1,3 mẫu ruộng (khoảng gần 4.000 m2), ông sử dụng một nửa để trồng lúa và nửa còn lại để làm vườn, ao, chuồng.

Trước đây, gia đình ông Thắng cũng như nhiều người nông dân ở địa phương thường xuyên phải đối diện với những nguy cơ mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do thiếu thông tin thị trường để sản xuất  đúng nhu cầu; thiếu thông tin về biến động giá cả để thương lái ép giá cho dù họ được mùa hay mất mùa; thiếu thông tin về thời tiết, dịch bệnh để có phương pháp phòng chống, bảo vệ nông sản của mình. Phần lớn là do chưa được tiếp cận với internet, chưa biết ứng dụng những thông tin trên mạng Internet vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…

Ngày nay thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, đã giúp cho nông dân từng bước tiếp cận thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật, không chỉ giới hạn qua đài, báo mà người dân còn biết truy cập vào Internet trên máy tính và smart phone (điện thoại thông minh) để bổ sung kịp thời những kiến thức hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua mạng Internet, những người nông dân như ông Thắng có thể tìm kiếm nhiều thông tin hữu ích, gồm: các chế độ, chính sách của nhà nước về tam nông; kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, các tiến bộ về kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất; thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm; thông tin về các địa chỉ cung cấp giống và vật tư sản xuất, địa chỉ mô hình, tấm gương làm ăn hiệu quả để hội viên nông dân tham khảo và học tập; là diễn đàn để nông dân trao đổi kinh nghiệm làm ăn với nhau, thậm chí là bán hàng qua mạng...

CAO KIẾN NAM

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp