Ngày 14/9, tại Đại học Quốc gia TPHCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM về các vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, giai đoạn 2017 - 2022, lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông có 2.063 bài báo thuộc cơ sở dữ liệu Scopus, chiếm 14,6% so với tổng số 7.334 bài báo của toàn Đại học Quốc gia TPHCM.
Hiện, Đại học Quốc gia TPHCM đang đào tạo 20 chuyên ngành về công nghệ thông tin và các chuyên ngành liên quan. Các chương trình đào tạo đều được kiểm định ABET, CTI - ENAEE, AUN - QA và sử dụng hệ thống quản lý học tập là Moodle hoặc Blackboard.
Mỗi năm, Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp hơn 5.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực công nghệ thông tin cho TPHCM và các tỉnh phía nam.
Để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ và kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án “Triển khai mô hình giáo dục đại học số đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số”.
Đề án này do Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông đề xuất.
Mục tiêu của đề án này là thiết kế và vận hành mô hình giáo dục đại học số trên nền tảng phối hợp hoạt động giữa các cơ sở giáo dục hướng đến tối thiểu tăng gấp đôi quy mô đào tạo nhân lực lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin…
Đại học Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ để Đại học Quốc gia TPHCM trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu về chuyển đổi số của quốc gia và khu vực.
Trong đó hỗ trợ, đầu tư để Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng và vận hành hệ thống MOOC (khóa học trực tuyến mở); trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng.
Bên cạnh đó đồng thời có chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư trung tâm R&D tại Đại học Quốc gia TPHCM.
Cho phép Đại học Quốc gia TPHCM thành lập Cơ quan tạp chí khoa học. Cơ quan tạp chí này có thể xuất bản nhiều ấn phẩm, mỗi ấn phẩm là một tạp chí khoa học.
Năm 2022, Việt Nam cần khoảng 530.000 nhân lực công nghệ thông tin. Số lượng thiếu hụt nhân sự ngành công nghệ thông tin có thể lên đến 150.000 nhân sự.
Sự thiếu hụt nhân sự một phần do chênh lệch giữa trình độ của sinh viên tốt nghiệp và các yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện, 30% số sinh viên công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp.