Chuyển đổi số nhìn từ công chúng báo chí

30/09/2022 15:45

KHPTO - Chị Lê Ngọc Mai (Quận 1, TP.HCM) bắt đầu ngày mới với việc mở ứng dụng Shopee theo dõi các chương trình bán hàng trực tiếp và đón nhận những phần thưởng Shopee xu hết sức hào phóng. Với một tiểu thương có nhiều thời gian như chị Mai, xem các chương trình gameshow và trình diễn âm nhạc kết hợp bán hàng là một thú vui mới mẻ và cũng rất hấp dẫn. Chị không còn thói quen đọc báo. Nếu có, chỉ là lướt qua những nội dung hiển thị trên Facebook, YouTube, Instagram.

Chị Mai không phải là ngoại lệ. Thói quen tiêu thụ thông tin, báo chí ở đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi rất nhiều kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hai năm trước đây. Tính chất giải trí, vui nhộn cộng với những phần thưởng nhỏ, linh hoạt làm nên hiệu quả của những chương trình thông tin bán hàng như thế. Hơn nữa, nghề shipper, grabber phát triển, kéo theo sự nhanh nhạy của quá trình phân phối và lưu chuyển hàng hóa.

Số liệu gần đây của Công ty Tư vấn Kepios, có trụ sở tại Singapore, cho thấy, số người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng thêm 3,4 triệu người, tức tăng 4,9% trong khoảng thời gian từ năm 2021 - 2022. Còn theo Datareportal, tổng số người dùng Internet của Việt Nam lên đến 72,1 triệu, tính đến tháng 1/2022. Ở phạm vi toàn cầu, nghiên cứu của Globalwebindex cho thấy, 59% dân số toàn cầu sử dụng mạng xã hội, thời gian trung bình mỗi ngày là 2 giờ 29 phút (số liệu tháng 7/2022). Còn theo UNESCO, trong giai đoạn từ 2016 - 2021, doanh thu quảng cáo báo chí toàn cầu đã giảm mất một nửa.

Những nét chấm phá có vẻ trái ngược nói trên là một phần của bức tranh truyền thông, báo chí hết sức sôi động nhưng cũng thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam trong mối liên hệ với truyền thông quốc tế. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp muốn thực hiện chiến dịch tiếp thị hay truyền thông sản phẩm thì phải nhờ vào hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn. Nay, tự họ có thể sử dụng nền tảng tiếp thị kỹ thuật số và thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Như vậy, có thể thấy, thói quen tiêu thụ sản phẩm truyền thông đã thay đổi, môi trường truyền thông đang dịch chuyển lên các nền tảng mới nhưng các cơ quan báo chí lại đang loay hoay với bài toán chuyển đổi số và dường như, sự choáng ngợp là rõ ràng nhất, còn hành động thì chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Một mục tiêu, nhiều biến số

Các cơ quan báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua những tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19 cũng như quá trình sắp xếp quy hoạch báo chí theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố đến năm 2025. Từng cơ quan đều ấp ủ những đề án chuyển đổi số đệ trình cơ quan chủ quản.

Chuyển đổi số không chỉ là vừa chạy vừa xếp hàng, mà còn ẩn bên trong một bài toán phức tạp bao gồm nhiều biến số. Đó là vấn đề nguồn nhân lực, mô hình kinh doanh, chiến lược nội dung và nền tảng công nghệ. Và trên hết là một tư duy đổi mới triệt để và sáng tạo.


Các cơ quan báo chí đang “đau đầu” về nguồn thu.

Nguồn nhân lực

Qua thực hiện Đề án vị trí việc làm, một cơ quan báo chí lớn của thành phố đã chốt lại danh sách 45 vị trí việc làm, khả dĩ đáp ứng quá trình phát triển về lâu về dài của cơ quan này. Hiện tượng nở nồi, mở thêm chuyên trang, chuyên mục để có thể tăng thêm “đất” cho quảng cáo trước đây đã kéo theo nhiều vị trí việc làm. Thế nhưng, bây giờ cần phải sắp xếp lại, tinh gọn hơn hoặc thay bằng những vị trí việc làm cần thiết cho quá trình chuyển đổi số. Danh sách các vị trí việc làm mới kéo dài thêm ra với các vị trí như chuyên gia lập trình, chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên viên đồ họa...

Đó là nói về các cơ quan báo chí có nguồn lực dồi dào. Các cơ quan báo chí vừa và nhỏ thì càng khó khăn hơn, khi vừa thiếu nhân sự, vừa chưa định hình được hướng đi sắp tới.
Quy trình tuyển dụng bắt đầu bằng công việc thấp nhất là cộng tác viên, rồi mới từng bước tiến đến phóng viên, biên tập viên như trước đây cũng không còn phát huy hiệu quả. Trong vòng tròn những người làm nghề, có không ít những lời than phiền về việc chuyển đổi cơ quan làm việc với quy mô hàng chục nhân sự mỗi lần. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng tựu trung vẫn là thu nhập và môi trường tác nghiệp.

Mô hình kinh doanh

Đây là chuyện hết sức đau đầu khi nguồn thu quảng cáo giảm, các khoản đầu tư cho nội dung trên mạng xã hội chỉ giúp tăng cường độ nhận biết hoặc lan tỏa nội dung nhưng trớ trêu là không mang lại doanh thu cho nhà sản xuất nội dung. Phần béo bở nhất của chiếc bánh rơi vào các nền tảng công nghệ. Điều này đương nhiên khi độc giả dịch chuyển sang các nền tảng Internet, kéo theo doanh thu và các dịch vụ đi kèm.

Cơ quan báo chí đành tìm lối đi với các hợp đồng truyền thông, liên kết, hợp tác truyền thông, và tìm kiếm các nguồn tài trợ mới. Nhưng đấy cũng chỉ là cách làm cũ. Sự biến mất của các sạp báo bên đường đồng nghĩa với hệ thống phân phối báo giấy kiểu cũ đã đến hồi kết thúc. Vậy thì điều cần nhất hiện nay là nhìn vào những lựa chọn mới cho mô hình kinh doanh báo chí.

Trên thế giới, nhiều tờ báo tiên phong trong chuyển đổi số đã bắt đầu mô hình thu phí, có thể là gói theo năm, theo tháng, theo tuần, theo ngày, thậm chí theo bài. Tuy nhiên, việc thu phí này ở Việt Nam vẫn khó khả thi đối với đông đảo bạn đọc.

Trong một số cuộc hội thảo chuyên đề gần đây, một số lãnh đạo cơ quan báo chí đã đề cập đến vấn đề miễn, giảm thuế để có thể tồn tại và phát triển. Đây đó cũng có những tiếng nói yêu cầu Nhà nước có chế tài buộc các nền tảng Internet tôn trọng bản quyền và trả một phần phí cho nhà sản xuất nội dung. Những việc này còn ở phía trước và chưa biết khi nào trở thành hiện thực.

Chiến lược nội dung

Có thể nói, đây là khâu rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Dù có công nghệ cao cấp thế nào, nhân lực tài giỏi ra sao nhưng không có một chiến lược nội dung rõ ràng thì tòa soạn cũng khó mà định vị được công chúng mục tiêu và có kế hoạch tiếp cận phù hợp.

Một tòa soạn báo không nhất thiết phải có đầy đủ các ban bệ, nhưng chỗ thừa vẫn thừa và chỗ thiếu thì vẫn thiếu. Nếu không định vị được công chúng mục tiêu và sở thích của họ, thì làm thế nào ta biết được sản phẩm báo chí có phục vụ nhu cầu hay không. Một tòa soạn thành công là tòa soạn vừa hiểu được đối tượng phục vụ, vừa có thể làm quen, biến người đọc chưa thân trở thành thân thiết, từ người đọc thân thiết trở nên người đọc trung thành. Và từ đó có thể điều chỉnh và phát triển các kế hoạch tăng doanh thu tương ứng.

Hãy tưởng tượng nếu chúng ta cứ quăng liên tiếp những sản phẩm tin tức vào người dùng mà không biết họ có thích hay không thích sản phẩm ấy hay không. Kết quả thế nào, không khó để trả lời.


Chuyên gia chia sẻ trong Chương trình đào tạo Chuyển đổi số báo chí.

Nền tảng công nghệ

Là câu chuyện được bàn nhiều nhất và gửi gắm nhiều hy vọng nhất cho báo giới. Đã có những cơ quan báo chí muốn tiên phong tạo lập nền tảng dùng chung cho các đơn vị bạn. Điều đó là tốt vì có thể tiết kiệm nguồn lực và mở rộng phạm vi phục vụ cũng như cộng dồn cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, vấn đề tự chủ nội dung và doanh thu sẽ tính thế nào lại gợi lên không ít băn khoăn.
Bên cạnh đó, phần mềm quản lý nội dung đã trở nên hết sức phổ biến, với những tính năng hiện đại tích hợp vào sản phẩm báo chí. Tính tương tác, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian tác nghiệp là những ưu điểm. Giờ đây, các tòa soạn có thể hoạt động gọn nhẹ, tự động hóa nhiều hơn. Một sản phẩm báo chí có thể được phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau mà không phải điều chỉnh về kỹ thuật. Nền tảng công nghệ rất cần thiết, tuy nhiên, cũng không phải là yếu tố quyết định cho bài toán chuyển đổi số báo chí thành công.

Tư duy đổi mới, sáng tạo

Như đã đề cập ở trên, bốn biến số của quá trình chuyển đổi số báo chí cũng chỉ là một tập hợp rời rạc nếu thiếu đi tư duy đổi mới, sáng tạo từ Ban lãnh đạo cơ quan báo chí. Công chúng báo chí, truyền thông đã khác. Tư duy và hành động của người làm nghề cũng phải thay đổi, thích ứng phù hợp.

Công chúng đang đứng trước tình trạng có quá nhiều thông tin, kể cả tin giả, và rất nhiều nền tảng, quan trọng là họ cần thông tin định hướng, chính thống và phù hợp với hành vi tiêu thụ thông tin của mình. Công chúng hiện đại là những người xem, nghe, đọc đa kết nối và cũng rất xao nhãng vì những kết nối ấy. Vì vậy, sản phẩm báo chí cũng cần tính đến yếu tố thời gian, hình thức thể hiện và nội dung một cách sáng tạo nhất.

Trở lại với câu chuyện chị Lê Ngọc Mai đã nói ở trên. Nếu như sản phẩm báo chí cũng mang tính “di động”, dễ tiếp cận và có nhiều thông tin phù hợp sở thích thì chắc chắn, những khán thính giả, độc giả như chị sẽ đến với nội dung báo chí thường xuyên hơn.

Sắp đến ngày 10/10, ngày chuyển đổi số quốc gia hàng năm. Mong rằng, sau hơn hai năm đại dịch với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, nỗ lực, cố gắng và hoàn thiện, chuyển đổi số báo chí sẽ có thêm những kết quả tích cực hơn, góp phần xây dựng bức tranh truyền thông chung ngày một hiệu quả và phát triển hơn nữa.

TS. NGUYỄN THANH HÒA

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp