Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (Công ty CP Xăng dầu TD) nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam chia sẻ nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng doanh nghiệp đã chịu lỗ nặng từ đầu năm đến nay do chi phí kinh doanh xăng dầu.
Nguồn cung không thiếu nhưng doanh nghiệp lỗ nặng
Cụ thể, quý III vừa qua, mức premium (định mức chi hoa hồng tính trên đơn vị lít cho doanh nghiệp đầu mối) đối với mặt hàng dầu là 1,68 USD/thùng (tương đương 253 đồng/lít); cước vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam là 8,73 USD/thùng (tương đương 1.319 đồng/lít); phí bảo hiểm là 4 đồng/lít; chi phí khác (giám định cảng xếp + giám định về đến cảng) là 2 đồng/lít). Tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 1.578 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.008 đồng/lít dầu.
Mặt hàng xăng doanh nghiệp lỗ 1.562 đồng/lít. Mặt hàng dầu FO doanh nghiệp đang lỗ 1.828 đồng/kg.
Vấn đề doanh nghiệp xăng dầu đang chịu mức lỗ quá nặng dẫn đến phải đóng cửa cũng đã được đưa ra tại cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ngày 12/10, rất nhiều doanh nghiệp đầu mối đã kiến nghị về chi phí kinh doanh xăng dầu.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Cát Lái (Saigon Petro) cho biết: Từ quý III, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ.
"Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài, cộng thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán", ông Thoại cho biết.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và định mức chi hoa hồng trong nước nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn ra để đáp ứng được việc mua hàng.
Kiến nghị tiếp tục điều chỉnh chi phí
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhận định: Chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu, giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi.
Kế đến là chi phí tạo nguồn, là các chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm: Giá cả thế giới, định mức chi hoa hồng, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.
Đơn cử, đối với chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và định mức chi hoa hồng trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7 nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng. Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng đối với khối lượng xăng dầu Bộ Công Thương giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập khẩu thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì định mức chi hoa hồng đang ở mức trên dưới 10 USD. Như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hàng nghìn đồng/lít, khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Kỳ vọng vào chi phí điều chỉnh ngày 11/11
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu cũng như tình hình người dân mua xăng dầu khó khăn tại nhiều tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp với các Bộ: Công Thương, Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 29/10, về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức giá cơ sở cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 3/11, Bộ Công Thương tiếp tục có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tập trung vào vấn đề chi phí kinh doanh xăng dầu.
Liên quan đến vấn đề chiết khấu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, về định mức lợi nhuận, chiều ngày 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương.
Cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Phan Trang / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ