Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang cho thấy động thái giảm tốc tiến trình tăng lãi suất. Điều này sẽ củng cố lực mua đối với hàng hoá nguyên liệu, đặc biệt là các mặt hàng kim loại và năng lượng, vốn nhạy cảm với chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, đối với dầu thô, mặt hàng quan trọng có khả năng định hướng thị trường, lại đang cho thấy sự không chắc chắn về mặt nguồn cung, khiến giá dầu có thể biến động mạnh trong thời gian tới.
Các nước EU hiện vẫn chưa có quyết định chính thức về mức giá trần đối với dầu Nga, trong khi thời hạn lệnh cấm vận có hiệu lực vào ngày 5/12 đang đến gần. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, giá dầu có thể tăng bởi lo ngại dòng chảy dầu từ Nga sẽ bị hạn chế nhiều hơn.
Hiện tại, Nga đang đánh mất tới 90% lượng dầu vận chuyển sang châu Âu, và chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Yếu tố cung - cầu đồng thời hỗ trợ giá dầu thô
Kết thúc phiên giao dịch 30/11, giá dầu thô WTI tăng 3,01% lên 80,55 USD/thùng, giá dầu thô Brent cũng tăng 3,23% lên 86,97 USD/thùng.
Những lo ngại về việc nguồn cung bị thắt chặt một lần nữa lại hỗ trợ cho giá dầu tăng mạnh.
Theo báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 12,58 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/11. Mức sụt giảm này thấp hơn cả dự báo của Reuters và số liệu của API trước đó là 7,9 triệu thùng, đồng thời cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2019. Tồn kho dầu thô thương mại hiện còn khoảng 419,08 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
Không những phản ánh tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, báo cáo của EIA cũng chỉ ra rằng lượng tồn kho thấp là kết quả của việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục.
Bên cạnh Mỹ, khảo sát mới nhất của Reuters cũng cho biết, sản lượng dầu của Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 11 đã giảm 710.000 thùng so với tháng 10, khi mà các thành viên cùng đồng minh tiến hành cắt giảm sản lượng trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ kém đi.
Đầu tuần này, các đại biểu của OPEC và đồng minh (OPEC+) đã phát ra tín hiệu rằng nhóm có thể tiến hành mạnh tay cắt giảm sản lượng hơn, tuy nhiên các chuyên gia phân tích dự báo nhiều khả năng các thành viên vẫn giữ sản lượng không đổi. Thông tin này tạo ra một lực cản nhẹ với giá, tuy nhiên cũng không quá đáng kể.
Xét về phía nhu cầu, thị trường đang tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 giảm so với hôm thứ 3, mở ra kỳ vọng về việc các nhà chức trách sẽ sớm nới lỏng các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt hiện tại. Trong hôm qua, Quảng Châu cũng đã tiến hành nới lỏng các quy tắc chống dịch tại một số quận.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ đáng kể sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Jerome Powell cho biết, Fed có thể điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất một cách phù hợp hơn và những điều chỉnh tích cực này có thể bắt đầu từ cuộc họp tháng 12 năm nay.
Thông tin này đã khiến cho đồng USD suy yếu và làm giảm chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô, trực tiếp hỗ trợ cho giá. Chỉ số Dollar Index đã giảm mạnh về 105,95 điểm trong phiên hôm qua.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ