Phong trào thi đua phải gần gũi, cụ thể, gắn lợi ích cá nhân và cộng đồng

05/04/2022 15:32

(Chinhphu.vn) - "Phải làm thế nào để phong trào thi đua ngày càng thiết thực, gần gũi, cụ thể, gắn với lợi ích cá nhân và cộng đồng, trở thành động lực thúc đẩy mọi người làm đúng, làm tốt phần việc của mình, để công tác thi đua ngày càng đúng với những giá trị đích thực như Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn "Thi đua thì phải yêu nước, Yêu nước thì phải thi đua"", ông Nguyễn Văn Nên nêu rõ.

Phong trào thi đua phải gần gũi, cụ thể, gắn lợi ích cá nhân và cộng đồng - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sáng 5/4, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2021 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2022.

Năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn ra nhanh và phức tạp từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 10 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự và đời sống nhân dân trên địa bàn nhưng TPHCM vẫn bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép do Chính phủ đề ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời tổ chức phát động một số phong trào thi đua phù hợp với tình hình của Thành phố trong thời gian phòng, chống dịch, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ, qua báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm 2021 - một năm mà Thành phố phải trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn do đại dịch COVID-19, chúng ta được nghe những chia sẻ sâu sắc từ thực tiễn, nói lên tấm lòng, nghĩa cử, lẽ sống cao đẹp của những con người sống tại Thành phố cũng như bà con khắp mọi miền Tổ quốc, nói lên trách nhiệm, tâm huyết, sáng tạo trong từng việc làm cụ thể và đem lại kết quả đối với từng tập thể, cá nhân điển hình tại Hội nghị hôm nay.

Điều đó xuất phát từ lòng yêu nước, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực phi thường, lòng quả cảm xả thân "một người vì mọi người, mọi người vì một người"; "cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước". Những lúc cam go, thử thách, khốc liệt thì tinh thần ấy càng biểu lộ và lên cao.

Không thể tập hợp đầy đủ hay đánh giá hết những đóng góp to lớn và nỗ lực phi thường của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trong và ngoài nước, vì vậy, nhân Hội nghị này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới những tập thể, cá nhân dù chưa được nêu tên hôm nay nhưng sự hy sinh thầm lặng và cao cả của họ xứng đáng được tôn vinh.

Đó là sự xả thân quên mình vì mọi người của lực lượng tuyến đầu, của đội ngũ chiến sĩ áo trắng, của cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, của lực lượng cơ sở và các cá nhân từ thiện. Đó là những nam nữ tu sĩ, cụ già, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi đã sẵn sàng xung phong và làm những việc có thể để chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành, chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục hậu quả và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

"Việc tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2021 cũng như hằng năm chúng ta đã từng làm để đánh giá một chặng đường là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ. Điều cần phải làm là tiếp tục tìm kiếm, tập hợp thường xuyên, liên tục để phát hiện, ghi danh, tuyên dương những tấm gương điển hình trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Phong trào thi đua phải gần gũi, cụ thể, gắn lợi ích cá nhân và cộng đồng - Ảnh 2.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Gắn phong trào thi đua với lợi ích cá nhân, cộng đồng

Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, có thể nói những gì đã trải qua trong năm 2021 đã cho chúng ta những bài học vô giá, những phẩm chất cao quý là nguồn lực nội sinh của chúng ta. Tuy nhiên, những bất cập, hạn chế, yếu kém cũng là những trở lực trong phục hồi và phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải biết khơi dậy và phát huy những mặt tích cực, đồng thời củng cố, chấn chỉnh, xử lý những mặt hạn chế, tiêu cực với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Từ đó, nhiệm vụ đặt ra là yêu cầu đổi mới hơn nữa công tác thi đua, khen thưởng để công tác này không chỉ dừng lại ở các phong trào, bề nổi mà phải thấm sâu vào mỗi cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức và người lao động, nhân dân Thành phố. Làm thế nào để phong trào thi đua ngày càng thiết thực, gần gũi, cụ thể, gắn với lợi ích cá nhân và cộng đồng, trở thành động lực thúc đẩy mọi người làm đúng, làm tốt phần việc của mình, để công tác thi đua ngày càng đúng với những giá trị đích thực như Bác Hồ kinh yêu đã từng căn dặn "Thi đua thì phải yêu nước, Yêu nước thì phải thi đua".

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, công tác thi đua khen thưởng phải thể hiện ý chí, lòng quyết tâm, khát vọng của từng cấp ủy, chính quyền và của người dân Thành phố. Phải bám sát mục tiêu đã đề ra, đó là phải đổi mới, sáng tạo, thi đua xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại và đặc biệt là phải gắn với chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy cho rằng trước hết, hệ thống chính trị cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Cần có các phong trào thiết thực và cụ thể nhằm cổ vũ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vươn lên hội nhập và phát triển; cổ vũ tinh thần học tập, nghiên cứu và lao động sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trẻ, tận dụng những thành tựu đã có của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho nhà nước và xã hội trong từng cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương và cơ sở.

Cần tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện các cuộc vận động. Ông Nguyễn Văn Nên nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nghiên cứu để phát động cuộc thi đua lớn, đó là "Cả nước chung tay xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có chuyển đổi số". TPHCM đã và đang xúc tiến nhiều dự án có liên quan, những dự án giao thông quan trọng không chỉ cho Thành phố mà liên kết cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nhiều dự án xã hội, trọng tâm là nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ… đang được chuẩn bị ráo riết. Đề án cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số… đã và đang được triển khai. Ngoài ra, Thành phố còn có Chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh; thực hiện Chỉ thị số 19, Chỉ thị số 23 của Thường vụ Thành ủy…

Theo Bí thư Thành ủy, trong công tác thi đua-khen thưởng, vai trò, trách nhiệm và sự nêu gương của cấp ủy và người đừng đầu các cấp là hết sức quan trọng. Từng cơ quan, đơn vị phải bám sát nhiệm vụ chính trị của mình, xem thi đua-khen thưởng là động lực để thực hiện các nhiệm vụ. Trong tổ chức xây dựng phong trào thi đua-khen thưởng, phải hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư rộng khắp ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngành nghề, nhất là đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, các thành phần kinh tế…

Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực trong công tác thi đua-khen thưởng. Bổn phận của hệ thống chính trị, của hội đồng thi đua-khen thưởng, của bộ máy làm công tác thi đua các cấp là chủ động tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện; chủ động phát hiện và đề xuất, mọi thủ tục ngoài quy đinh đều không thể được chấp nhận.

Công tác thi đua-khen thưởng phải thường xuyên đổi mới, phải sáng tạo, công khai, công bằng, dân chủ, đúng quy trình, thủ tục, khen thưởng chính xác và kịp thời, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Hoan, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Thành phố đã phát động phong trào thi đua-khen thưởng Thành phố năm 2022.

Theo Anh Thơ / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp