Tính chung, 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt 21 tỷ USD, cao hơn so với cả năm 2021 (20,78 tỷ USD). Như vậy có thể nói, những tháng cuối năm xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhưng ngành vẫn có thể đạt được kế hoạch đề ra. Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 25 tỷ USD.
Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày - Túi xách, năm 2022, mặc dù ngành da giày – túi xách vượt qua được nhiều khó khăn thách thức để đạt được kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Song điều này không có gì bảo đảm rằng ngành sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành. Điều này đòi hỏi toàn ngành và từng doanh nghiệp phải thận trọng lèo lái các mặt hoạt động để giảm được tối đa các thiệt hại, duy trì hoạt động trong một giai đoạn cực kỳ khó tiên lượng.
Hiện nay hơn 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép là của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Việt Nam, mỗi năm nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp da giày nhập vào là khoảng 300 triệu USD.
Nguyên phụ liệu chiếm tới 68 – 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, tuy nhiên tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ đạt khoảng 40 – 45%. Việt Nam hiện có khoảng 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, điều đáng nói ở đây chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày gặp nhiều khó khăn trong việc chủ động đơn hàng và nguồn nguyên liệu.
Đứng trước mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, Việt Nam cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngành da giày hiện nay theo xu hướng thời trang thay đổi liên tục, do đó cần phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày phù hợp với xu hướng.
NT
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ