
Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone giải đáp các băn khoăn của doanh nghiệp Việt - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Tại cuộc thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Thương mại-Đầu tư Việt Nam-Lào được tổ chức sáng 13/12, đại diện các doanh nghiệp tại TPHCM đã đặt câu hỏi đối với Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, xoay quanh các vấn đề như: Kế hoạch của Chính phủ Lào trong thu hút sự đầu tư đối với các nước, trong đó có Việt Nam; ưu tiên của Chính phủ Lào đối với các doanh nghiệp Việt quan tâm đầu tư về dịch vụ khám chữa bệnh y tế hoặc cảng biển là gì?
Theo Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Lào luôn quan tâm đến chất lượng y tế, đặc biệt đối với người dân có điều kiện khám chữ bệnh, điều trị. Lào cũng tập trung phát triển hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực y tế. Nước bạn cũng có quỹ bảo hiểm xã hội hỗ trợ người có thu nhập thấp, trung bình trong khám chữa bệnh. Nhìn chung, đây là lĩnh vực mà Lào rất hoan nghênh nếu doanh nghiệp Việt Nam mong muốn đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Ngoài ra, để Lào từ nước không có biển trở thành trung tâm kết nối, Phó Thủ tướng Lào cho biết, thời gian qua, Chính phủ nước bạn đã quan tâm đầu tư hạ tầng dọc sông Mekong, nâng cấp các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến kết nối đường bộ với Việt Nam. Tuy nhiên, còn có nhiều hạn chế trong việc thực hiện các tuyến đường giao thông do gặp khó trong việc nâng chuẩn đường sá.
Về chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện Lào đang củng cố, bổ sung luật, cơ sở pháp lý liên quan, trong đó có Luật Khuyến khích đầu tư từ năm 2016. Đặc biệt, đối với Việt Nam, nước bạn đã triển khai các chính sách dựa trên mối quan hệ hữu nghị vĩ đại của hai nước, do đó sẽ có những chính sách ưu đãi đặc biệt.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp Việt về việc hàng hóa từ TPHCM đi qua các địa phương Lào bằng đường bộ phải qua trạm kiểm soát khiến việc lưu thông gặp khó khăn, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết các doanh nghiệp có thể trực tiếp phản ánh rõ những vấn đề liên quan để Chính phủ có hướng giải quyết. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đề nghị cơ quan giao thông công chính hai nước cũng có sự trao đổi để giải tỏa những vướng mắc trong hoạt động về xuất khẩu, giao thương hàng hóa qua biên giới giữa hai bên.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu kết luận Diễn đàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp hai bên
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, qua thảo luận tại Diễn đàn nổi lên hai vấn đề, đó là việc tìm hiểu chính sách, pháp luật của mỗi bên để xúc tiến các hoạt động đầu tư thương mại. Từ đó, ông Mãi đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tập hợp các thông tin từ phía doanh nghiệp Thành phố; đề nghị Tổng lãnh sự quán Lào tại TPHCM tập hợp các thông từ doanh nghiệp Lào để có cơ chế trao đổi và đề nghị Sở Ngoại vụ làm đầu mối cho việc này.
Về vấn đến thứ 2 là vận chuyên hàng hóa giữa Lào và TPHCM, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở GTVT, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố nghiên cứu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải tham gia thực hiện việc này.

Lễ ký kết 17 Biên bản ghi nhớ và một hợp đồng kinh tế giữa hai bên - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Đồng thời, ông Mãi cũng đề nghị Sở Công Thương theo dõi, hướng dẫn để các đơn vị, trực tiếp là Saigon Co.op, Satra, tổ chức việc kết nối để hàng hóa của Lào vào thị trường TPHCM; Sở Du lịch TPHCM theo dõi, hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch thúc đẩy hơn nữa các hoạt động du lịch giữa TPHCM và các địa phương của Lào.
Tại Diễn đàn cũng đã diễn ra Lễ ký kết 17 Biên bản ghi nhớ và một hợp đồng kinh tế giữa hai bên với nội dung tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp (phát triển giống cây trồng, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi), năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch.
Anh Thơ
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ