Chuyên nghiệp hoá y học thảm hoạ trong công cuộc hiện đại đất nước

25/02/2023 08:31

Càng tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, càng cần chú trọng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong đó, chuyên nghiệp hóa công tác y học thảm họa (YHTH) là một yêu cầu lớn không chỉ của riêng ngành y tế. Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Giám đốc BV Quân Y 175, Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, Phó Chủ địch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng Tạp chí Khoa học phổ thông xoay quanh vấn đề này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thảm họa là sự phá vỡ sinh thái của nhân loại. Thảm họa do thiên nhiên hay con người gây ra là yếu tố rủi ro, tiềm ẩn bật cứ lúc nào.

- Thời gian qua, trên thế giới lên tục xảy ra nhiều thảm họa sóng thần, lũ lụt, sạt lở, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và mới đây là động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây tổn thất nặng nề nghiêm trọng. Ông có thể nói đôi chút về thảm họa và YHTH?

Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn (TTND-NHS)Theo ước tính của WHO trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21, trung bình mỗi tuần thế giới có một thảm họa. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người, ảnh hưởng cuộc sống hàng tỷ người, làm tổn thất hàng chục tỷ USD và hệ lụy lâu dài của hậu thảm họa.

Thảm họa là các hiện tượng gây thiệt hại, các đảo lộn về kinh tế, tổn thất về sinh mạng, tổn hại sức khỏe, cơ sở y tế mức độ lớn, đòi hỏi sự huy động cứu trợ đặc biệt từ bên ngoài tới vùng bị thảm họa. Thảm họa là sự phá vỡ sinh thái của nhân loại (con người, sinh vật, môi trường) vượt quá khả năng của cộng đồng trong hoạt động bình thường hoặc thảm họa là những rủi ro, biến cố bất ngờ gây ra những tổn thất lớn về con người và của cải, vật chất v.v…

Có thể phân loại thảm họa do các yếu tố nguyên nhân: thảm họa do yếu tố thiên nhiên (biến đổi khí hậu, bão lụt, động đất, núi lửa, sóng thần…); thảm họa do con người gây ra (cháy nổ, giao thông, kiến trúc, xung đột xã hội, ô nhiễm môi sinh, cháy rừng, dịch bệnh…); cũng có thể phân loại thảm họa theo thời gian (trình tự diễn biến hoặc thời gian diễn biến thảm họa); phân loại theo địa dư (dân cưu, địa lý, diện tích, giao thông, liên lạc); phân loại theo hậu quả của thảm họa, mức độ tổn thất v.v


Cấp cứu đường không là giải pháp ưu tiên trong những điều kiện ngặt nghèo, cấp bách nhằm vận chuyển thật nhanh và tận dụng khoảng thời gian vàng trong điều trị.

Từ đó, YHTH chia làm 4 mức độ: (I) Từ 30 - 100 nạn nhân (nhập viện từ 20 - 50 ca), (II) Từ 100 - 500 nạn nhân (nhập viện từ 50 - 200 ca), (III) Từ 500 - 2.000 nạn nhân (nhập viện từ 200 - 300 ca), (IV) Trên 2.000 nạn nhân (nhập viện trên 300 ca).

YHTH là một chuyên ngành của y học hiện đại, gắn bó chặt chẽ với tổ chức quản lý y tế, dịch tễ học, hồi sức cấp cứu… Một số đặc điểm chính của YHTH như: đáp ứng tình huống bất ngờ, đột ngột, tối khẩn cấp (thời gian); triển khai trong hoàn cảnh, điều kiện không thuận lợi (ngay trong khi đang xảy ra thảm họa); số lượng nạn nhân nhiều trong một thời gian ngắn; mất cân đối nghiêm trong giữa nhu cầu của YHTH với khả năng đáp ứng (chuyển đổi trạng thái nhanh từ y tế phục vụ từng người sang y tế cộng đồng trong môi trường không an toàn).

Những nhiệm vụ cơ bản của YHTH là: (1) đánh giá thực địa và triển khai hệ thống tổ chức, chỉ huy, điều hành kế hoạch đáp ứng; (2) tìm kiếm cứu hộ; (3) khám xét, chọn lọc, phân loại để quyết định điều trị, tối khẩn cấp, khẩn cấp và chuyển thương; (4) điều trị nạn nhân; (5) phục hồi cơ sở y tế, phòng chống dịch bệnh và các hậu quả sức khỏe, tinh thần cho nạn nhân và người dân.


Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn (bìa phải) tham gia vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân bằng đường không từ đảo Trường Sa về BV Quân y 175 để tiếp tục điều trị.

- Như vậy, tình hình YHTH ở nước ta đang như thế nào? Theo ông, sự tham gia, phối hợp cho công tác YHTH cần những yêu cầu gì?

Đây là mối quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Rất nhiều các chỉ thị về công tác phòng chống thảm họa đã được ban hành. Ủy ban cứu hộ cứu nạn và phòng chống thảm họa do một Phó Thủ Tướng phụ trách. Bộ môn YHTH đã được đưa vào giảng dạy ở các trường Y, Hội Y học Thảm họa và Bỏng cũng được ra đời từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày 22/12/2020, Hội Y học Khẩn cấp và Thảm họa cũng được ra mắt. Đồng thời, chúng ta cũng đã có rất nhiều cuộc diễn tập các cấp độ khác nhau phòng chống thảm họa v.v… 

Như tôi đã nói ở trên, do đặc điểm, tính chất của từng loại thảm họa đặt ra cho chúng ta vấn đề tổ chức, chỉ huy, điều hành đòi hỏi sự tham gia của cả một hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của từng địa phương, sự phối kết hợp của các lực lượng. YHTH đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả, nói một cách khác phải rất chuyên nghiệp. 

“Y học thảm họa đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả, nói một cách khác phải rất chuyên nghiệp.”

(Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn)

- Là một BV trực thuộc Bộ Quốc phòng tuyến cuối ở phía nam, đóng quân trên địa bàn TP.HCM, BV Quân y 175 đã xây dựng, tổ chức như thế nào để đáp ứng với các cấp thảm họa, thưa ông?

- Đất nước ta trải dài từ bắc xuống nam, đa dạng địa hình với hơn 3.400 km bờ biển. Vị trí địa lý của nước ta có yếu tố nguy cơ cao hứng chịu nhiều loại hình thảm họa thiên nhiên. TP.HCM là một trung tâm kinh tế, chính trị cũng là nguy cơ tiềm ẩn của những thảm họa do con người gây ra.

BV Quân y 175 luôn xác định ngoài những nhiệm vụ chính trị đặc thù của quân đội, BV nằm trong đội hình của ngành y tế TP.HCM, có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân TP, khu vực phía nam, và thực tế từ khi thành lập đến nay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. BV có nhiều loại hình phân đội cấp cứu, đội phẫu thuật căn bản, BV dã chiến và BV dã chiến truyền nhiễm. Các đơn vị được duy trì trực thường xuyên để đáp ứng khả năng sẵn sàng chiến đấu sau 30 phút nhận lệnh. Những kinh nghiệm với y tế biển đảo, đặc biệt với Trường Sa thời gian qua đã nâng cao hiệu quả của công tác cấp cứu đường không.


Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn trong chuyến bay cấp cứu tại BV dã chiến 2.1 Sudan.

- TP.HCM là đầu tàu dẫn dắt phía nam Tổ quốc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông có nhận định, đề xuất gì để công tác YHTH tại TP nói riêng và cả nước nói chung ngày càng hoàn thiện và tiến tới chuyên nghiệp hóa?

- Khát vọng TP.HCM trở thành một TP hiện đại, văn minh, nghĩa tình, đáng sống, bên cạnh các yếu tố khác, y tế có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài chất lượng hệ thống y tế điều trị (BV) thì hệ thống cấp cứu ngoại viện là giá trị khẳng định đẳng cấp. Với đặc thù và vị trí đa lý, TP.HCM cần sớm hoàn thiện một hệ thống cấp cứu hiện đại bao gồm cả đường bộ, đường không và đường thủy. Hệ thống cấp cứu ngoại viện vận hành tốt sẽ cho khả năng phản ứng nhanh khi tình huống y tế khẩn cấp, thảm họa xảy ra.

Song song đó, sự điều hành của chính quyền TP với các cơ sở y tế, công an, quân đội là sự phối kết hợp trong một đội hình thống nhất. Thực tiễn sẽ cho chúng ta quyết định triển khai hệ thống cấp cứu vận chuyển hay triển khai BV dã chiến. Nhãn tiền của đại dịch Covid-19 vừa qua đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá.  

“Với đặc thù và vị trí địa lý, TP.HCM cần sớm hoàn thiện hệ thống cấp cứu hiện đại bao gồm cả đường bộ, đường không và đường thủy. Hệ thống cấp cứu ngoại viện vận hành tốt sẽ cho khả năng phản ứng nhanh khi tình huống y tế khẩn cấp, thảm họa xảy ra.”

(Thiếu tướng, PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn)

Thảm họa do thiên nhiên hay con người gây ra là yếu tố rủi ro, tiềm ẩn bật cứ lúc nào. Bên cạnh công tác phòng chống là khả năng tổ chức, chỉ huy, điều hành ứng phó với thảm họa, hạn chế tới mức thấp nhất tính mạng của con người và của cải, vật chất. Từ cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn, khả năng sẵn sàng chiến đấu phải được đầu tư đúng mức, rèn luyện thường xuyên, không được lơ là, chủ quan. Đó là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Ân - Thanh Thúy

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp