Cần cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp

17/02/2023 15:35

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh UBND Thành phố cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp, chia sẻ những vướng mắc, sáng tạo, sáng kiến để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Sáng 17/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ để lắng nghe các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp doanh nghiệp trên địa bàn. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố đang đối mặt với khá nhiều khó khăn nhất định.

Đối với ngành dệt may thêu đan Thành phố, do lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu lên tới 6-7% nên lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, (châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Hoa Kỳ giảm 30-40%); tồn kho tăng lên chiếm 20-25% dẫn đến quý IV/2022 và quý I/2023, khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Cụ thể, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35 - 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá, nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022.


Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đối với ngành chế biến gỗ Thành phố, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa (gỗ dăm và viên nén tăng nhưng chủ yếu do doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp FDI). Cụ thể: 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, 50% doanh nghiệp còn 30-40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

Đối với ngành vật liệu xây dựng Thành phố, kim ngạch xuất khẩu của ngành sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm khi đầu tư công và dự án bất động sản đóng bang. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.

Doanh nghiệp mong hạ lãi suất, giãn thuế

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện Thành phố cho biết, vừa rồi có 10 doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí Thành phố tham gia dự án kích cầu của Thành phố, đã được UBND Thành phố phê duyệt dự án nhưng chưa được hỗ trợ lãi suất theo quyết định của dự án nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy ông Tống kiến nghị UBND Thành phố nhanh chóng giải ngân khoản hỗ trợ lãi suất này, giúp các doanh nghiệp cơ khí có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.


Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố nêu ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Còn bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố thì bày tỏ, lãi suất vay ngân hàng 10% hiện nay là quá cao và với lãi suất đó, các doanh nghiệp trong ngành lương thực-thực phẩm không thể kinh doanh có lãi.

"Chúng tôi đang sản xuất tốt nhưng với lãi suất cao, giá nguyên liệu tăng thì lợi nhuận thu về cực kỳ thấp. Đối với hàng nội địa, muốn giữ ổn định giá thì doanh nghiệp phải hạ mức lợi nhuận xuống tới 50%", bà Chi cho biết.

Ngoài việc đề xuất hạ lãi suất vay ngân hàng, bà Chi cho biết thêm, hiện nay một số DN vừa và lớn trong ngành, vốn đã tạo được thương hiệu mấy chục năm nay đang bị các doanh nghệp nước ngoài săn đuổi và mua lại. Nếu Thành phố muốn xây dựng các tập đoàn, các thương hiệu mạnh mà cứ để mai một các thương hiệu như vậy thì sẽ là điều đáng tiếc, bà Chi nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với bà Lý Kim Chi, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố cũng đề xuất hạ lãi suất vay ngân hàng, đồng thời mong muốn Thành phố kiến nghị Chính phủ tiếp tục chính sách hoãn, giãn thuế đến hết tháng 12 năm 2023.

Cải thiện hạ tầng, thúc đẩy du lịch

Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM cho biết, thách thức lớn nhất của ngành đó là sự sụt giảm nền kinh tế toàn cầu, có thể nhìn thấy được từ quý IV/2022, khiến việc luân chuyển hàng hóa giảm mạnh.

Bên cạnh đó, biến động giá nguyên liệu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành, ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, ngay cả thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng.

Bà Phương nhấn mạnh, một trong những hạn chế là cơ sở hạ tầng của Thành phố chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tình trạng ùn tắc giao thông, hàng hóa ùn tắc về cảng Cát Lái là việc nhìn thấy rõ nhưng không thể giải quyết. Ngoài ra, các trung tâm logistics phân bổ rời rạc, dịch vụ cảng biển chưa được quan tâm đúng mức. Thành phố cũng chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics.

Từ đó, người đứng đầu Hiệp hội Logistics Thành phố đề xuất thúc đẩy kết nối vùng để phát triển kinh tế; giảm thuế VAT cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp; đề nghị Thành phố đề xuất Trung ương giảm 50% phí hạ tầng đường bộ, tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển.


Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel mong muốn TPHCM có giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đại diện ngành du lịch Thành phố phát biểu ý kiến, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel nhận định, tổng thu từ hoạt động du lịch Thành phố năm 2022 bằng với con số của năm 2017, trong đó tổng lượng khách đến Thành phố là 28,5 triệu lượt người, bằng với con số năm 2013, có nghĩa là ngành du lịch Thành phố đã bị lùi lại 10 năm.

Theo ông Kỳ, để du lịch Thành phố phát triển thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Hiện Thành phố đang thiếu đi mục tiêu cụ thể. Doanh nghiệp mong muốn Thành phố có bộ tiêu chí và có kế hoạch hành động để triển khai thực hiện.

Ngoài ra, ông Kỳ nhấn mạnh, "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", nếu mỗi doanh nghiệp một mục tiêu, một định hướng và không kết nối với nhau thì rất khó làm nên chuyện. Du lịch là một hệ thống gồm lữ hành-lưu trú-vận chuyển và dịch vụ, nếu không kết nối được với nhau thì không thể có sức mạnh.

Về sản phẩm du lịch, TPHCM đang thiếu đi sản phẩm đặc thù, cần định hình được sản phẩm đặc thù để tạo nét riêng, thu hút du khách.


Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trò chuyện cùng đại diện các doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đại diện ngành thiết bị y tế Thành phố, ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Thành phố cho biết, việc sản xuất trang thiết bị y tế đã được Bộ Y tế phát động cách đây hơn 20 năm, tuy nhiên đến nay, việc này vẫn dậm chân tại chỗ, chúng ta chưa sản xuất được thiết bị y tế nào mang tính công nghệ cao. Nguyên nhân là do các cơ chế, thủ tục cấp phép sản xuất trang thiết bị y tế trong nước phức tạp khiến doanh nghiệp ngại đầu tư; chuỗi cung ứng cho công nghệ phụ trợ trang thiết bị y tế hầu như không có. Ngoài ra, Thành phố chưa có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế.

Từ đó, ông Doãn đề xuất Thành phố có chính sách hỗ trợ đầu tư chuỗi cung ứng cho công nghệ sản xuất trang thiết bị y tế, định hướng xây dựng khu công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế; kiến nghị trung ương cải tiến việc cấp phép sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, cần có sự công khai, minh bạch trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của Thành phố - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Công khai, minh bạch mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền

Sau hơn 4 tiếng đồng hồ lắng nghe ý kiến của đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ: "Có thể nhận xét rằng không có ý kiến nào quá lời cả, tất cả đều có lý, có tình, sát đáng với những kiến nghị cụ thể, rõ ràng, thẳng thắn, chân thành, mang tính xây dựng".

Theo Bí thư Thành ủy, qua năm 2021 chiến đấu với đại dịch và năm 2022 phục hồi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đánh giá rất cao sự nỗ lực, bứt phá mạnh mẽ và rất đáng khâm phục của cộng đồng doanh nghiệp. Thành phố trân trọng và tri ân những nỗ lực đó, đóng góp vào thành công chung của Thành phố và của cả nước.

Nhấn mạnh năm 2023 là một năm đầy khó khăn, Bí thư Thành ủy mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ phấn đấu bằng 200% sức lực như thời chống dịch với tinh thần gần gũi, sát cánh để cùng chiến đấu. Đối với các đề xuất của các doanh nghiệp, lãnh đạo Thành phố sẽ tổ chức, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới với quyết tâm không làm phụ lòng cộng đồng doanh nghiệp.

Về phía các sở, ngành, Bí thư Thành ủy đề nghị cần tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính, tối giản thủ tục; thúc đẩy chuyển đổi số trong từng cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền.

Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả của chương trình cho vay kích cầu, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình mới; quan tâm đến đào tạo nhân lực, nhất là trong ngành du lịch; tạo môi trường sống văn minh, hiện đại gắn với vấn đề nhà vệ sinh, gắn với từng quán ăn, từng con hẻm; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trên đường phố.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh UBND Thành phố cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp, chia sẻ những vướng mắc; sáng tạo, sáng kiến để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách.

Anh Thơ

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp