Phát triển dược liệu phải gắn với chuỗi giá trị, chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được một cách thuận lợi bài toán phát triển đối với bất cứ mặt hàng dược liệu nào; gắn dược liệu với y học cổ truyền cũng như gắn y học hiện đại với y học cổ truyền. Do vậy, Nhà nước phải có một số chính sách đặc thù để phát triển ngành dược, cây dược liệu, công nghiệp dược liệu Việt Nam.
Về nuôi trồng, khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu, phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Đi liền với đó, thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng trong đó cốt lõi là Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình trồng dược liệu theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
(Ảnh minh họa)
Về sử dụng dược liệu: Bộ Y tế nghiên cứu triển khai mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu. Có cơ chế đặc thù thanh toán cho thuốc Nam, dược liệu tươi dùng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Khuyến khích việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Đơn giản hóa thủ tục thanh toán, thuận lợi cho người bệnh sử dụng kết hợp thuốc đông y và thuốc tây y tại các tuyến khám chữa bệnh...
Phát triển, khai thác, sử dụng song song với công tác bảo tồn
Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế về cây dược liệu, trong quá trình bảo tồn và phát triển các cây thuốc Nam cũng đang gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó nổi cộm lên là vấn đề quy hoạch đang bị tác động bởi tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động (được mùa - mất giá). Việc khai thác quá mức cũng dẫn đến các vấn đề liên quan tới công tác bảo tồn và phát triển nguồn genes bởi số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Cùng với đó, hạn chế về điều kiện kỹ thuật và công nghệ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả của cây dược liệu.
Để đưa dược liệu trở thành thế mạnh của ngành Dược Việt Nam, cần tập trung quy hoạch các vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để lựa chọn và tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất dược liệu. Đẩy mạnh triển khai thực hiện trồng cây dược liệu (GAP) và thực hành tốt thu hái cây dược liệu hoang dã (GCP) nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên Quốc gia, góp phần nâng cao vị thế ngành dược liệu Việt Nam để tiến tới tương đồng về chất lượng, đủ sức cạnh tranh để hòa hợp trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu, có điều kiện để hình thành và phát triển công nghiệp dược liệu. Đặc biệt, vùng dân tộc thiểu số, ngoài thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với dược liệu quý, đồng bào còn sở hữu một kho tàng kinh nghiệm quý báu về chế biến và sử dụng cây thuốc. Vì vậy, cần phát huy tiềm năng dược liệu ở Việt Nam nói chung và ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Đây cũng là cơ hội cho người dân sống ở vùng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, thoát nghèo. Ðể giải quyết thực trạng này, các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành tiềm năng, lợi thế chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối liên kết “bốn nhà”. Trước tiên, phải liên kết giữa nhà Doanh nghiệp và nhà Nông; cần có chính sách ưu đãi đối với việc trồng dược liệu, như hỗ trợ vay vốn, cho thuê đất, miễn giảm thuế, chính sách bao tiêu sản phẩm. Chú trọng vai trò quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế cho người dân, doanh nghiệp, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng dược liệu trong phát triển dược liệu.
TS. Nguyễn Thiện Trưởng
Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng