Liên quan đến việc một số cây xăng tại TPHCM thông báo "hết xăng", Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý nghiêm cửa hàng nếu để hết xăng 2 ngày.
Cụ thể, một số cơ quan báo chí đưa tin, trưa ngày 11/7, tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình (TPHCM), người dân ghé mua xăng thì được nhân viên thông báo "hết xăng", đồng thời hướng dẫn sang cửa hàng khác để mua. Tương tự, một cửa hàng xăng dầu trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) cũng để bảng thông báo "hết xăng, còn dầu".
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chỉ đạo nhấn mạnh: "Nếu việc thiếu nguồn cục bộ do nhu cầu tăng đột biến, chưa kịp nhập hàng trong ngày thì sẽ xem xét châm chước cho doanh nghiệp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp để xảy ra tình trạng thiếu hàng kéo dài đến ngày thứ 2 sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định".
Thiếu xăng, dầu là tình trạng cục bộ
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, đến thời điểm hiện nay, tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được bảo đảm.
Đối với tình trạng thiếu xăng dầu ở một số cửa hàng tại TPHCM, theo báo cáo Petrolimex Sài Gòn, qua kiểm tra thông tin bán hàng của Công ty Lương thực TPHCM (điểm bán hàng 424 Lê Văn Sỹ, Phường 2, quận Tân Bình, TPHCM), kết quả cho thấy: Công ty CP Lương thực TPHCM là khách hàng nhượng quyền bán lẻ của Petrolimex Sài Gòn, phát triển mới từ tháng 5/2022 với 2 điểm bán là: Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Long Thạnh Mỹ (238 Xa lộ Hà Nội, khu phố 3, phường Tân Phú, Quận 9) và Cửa hàng bán lẻ xăng dầu (424 Lê Văn Sỹ, Phường 2, quận Tân Bình). Sản lượng đăng ký là 500 m3/tháng cho 2 điểm bán (thực hiện tháng 5/2022 là 541 m3).
Sáng ngày 11/7, sau khi điều chỉnh giảm giá, lượng khách hàng vào đổ xăng dầu rất đông tại khu vực cửa hàng Lê Văn Sỹ nên cửa hàng bị đứt hàng cục bộ khoảng hơn 1 giờ (từ 11h45' đến 13h). Đến 13h thì xe bồn về tới cửa hàng (phù hợp với đối chiếu trên phần mềm SMO thì xe ra khỏi kho lúc 12h36).
Sản lượng xuất hàng cho Công ty Lương thực tính từ 1/7 đến 11/7 là 210 m3 (đúng theo sản lượng cam kết) và lượng hàng luôn được cấp đủ hàng theo nhu cầu.
Petrolimex Sài Gòn đã gửi thông tin trên báo cho khách hàng để chủ động trong việc điều hàng, đồng thời nhắc nhở khách hàng tránh sự việc tương tự xảy ra.
Như vậy, vấn đề thiếu xăng dầu tại đây chỉ là tình trạng cục bộ.
Ngay trong chiều 11/7, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã có đoàn kiểm tra đến các địa điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kiểm tra thông tin báo chí phản ánh.
Ông Trần Duy Đông chia sẻ thêm, vào tháng 5/2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu về điều hành xăng dầu bằng công nghệ số. Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như hoạt động phân phối loại hàng hóa đặc biệt này tại thị trường nội địa để bảo đảm luôn luôn cân đối được cung cầu cũng như an ninh năng lượng. Cơ sở dữ liệu này sẽ có hiệu quả lớn trong nắm số liệu hàng tồn kho, nguồn cung của các doanh nghiệp để điều tiết thị trường và cân đối cung cầu.
Theo Bộ Công Thương, để chủ động trong bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, ngay từ tháng 2/2022, Bộ Công Thương đã có văn bản số 242 để chỉ đạo 10 doanh nghiệp đầu mối trong việc tăng cường nhập khẩu, duy trì nguồn cung xăng dầu trong nước. Thời gian gần đây, cùng với việc sử dụng cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã nắm bắt được rõ ràng nguồn cung xăng dầu trên thị trường, từ đó luôn luôn bảo đảm cân đối cung cầu trong nước.
Theo PT / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ