Có đến 27 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, 17 mặt hàng kết thúc tuần với mức biến động trên 3%; phần nào phản ánh những diễn biến rất sôi động của thị trường trong tuần. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư vẫn gia tăng ổn định, giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 5.300 tỷ đồng/phiên, tăng gần 7% so với tuần trước đó.
Giá cà phê arabica, đường thô lao dốc
Cà phê Arabica dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường với mức giảm 8,8%, đẩy giá mặt hàng này về mức thấp nhất trong 6 tháng. Nguồn cung dần cải thiện khi hoạt động thu hoạch diễn ra tích cực tại Brazil, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới đã gây sức ép khiến giá Arabica giảm trong cả 5 phiên.
Trong khi đó, giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm 2,58% trong tuần vừa qua. Mức giảm có phần nhẹ hơn so với Arabica khi những thông tin cơ bản trên thị trường này vẫn thể hiện quan điểm lo ngại sâu sắc về vấn đề khan hiếm nguồn cung.
Với mức giảm 8,51%, đường thô là mặt hàng có mức giảm mạnh thứ 2 của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong tuần qua. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung đang có tín hiệu cải thiện, đã gây sức ép lên giá.
Nhập khẩu đường trong trong tháng 5 của Trung Quốc chỉ ở mức 40.000 tấn, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm trước; cho thấy nhu cầu tiêu thụ đường thấp trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Trong khi đó, thời tiết khô ráo xảy ra tại khu vực trồng mía đường chính, thúc đẩy hoạt động thu hoạch diễn ra tích cực, từ đó bổ sung nguồn cung mới cho thị trường.
Thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ
Kết thúc tuần giao dịch 19-25/6, toàn bộ 10 trên 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Đồng USD mạnh lên gây sức ép tới thị trường kim loại quý. Trong khi đó, lo ngại suy thoái kinh tế khiến các mặt hàng kim loại cơ bản lao dốc.
Đối với nhóm kim loại quý, giá cả 2 mặt hàng đồng loạt giảm tuần thứ hai liên tiếp, với bạc giảm 7,34% xuống 22,35 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ tháng 10/2022. Giá bạch kim chốt tuần tại 923,7 USD/ounce sau khi giảm 6,44%, mức giảm trong tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 8/2022.
Trong tuần qua, đồng USD đang trên đà phục hồi nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong 2 phiên điều trần trước Quốc hội.
Hơn nữa, rủi ro suy thoái gia tăng do loạt dữ liệu kinh tế kém sắc cũng thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất sơ bộ của Mỹ trong tháng 6 chỉ đạt 46,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1 và thấp hơn mức 48,4 mà các nhà phân tích dự đoán. PMI dịch vụ tháng 6 của Mỹ cũng giảm xuống 54,1 điểm từ mức 54,9 điểm hồi tháng 5.
Bên cạnh đó, không chỉ Mỹ, các nước khác bao gồm Đức, Nhật Bản, Anh và khu vực châu Âu cũng báo cáo dữ liệu cho thấy sự suy giảm trong cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế trên toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất.
Do đó, lo ngại nguy cơ suy thoái thúc đẩy nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế và chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn khiến giá bạc, bạch kim lao dốc.
MXV nhận định, trong tuần này, thị trường kim loại quý dự kiến sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh từ yếu tố vĩ mô, trong đó có các bài phát biểu của chủ tịch Fed, ông Jerome Powell và một số thành viên của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang. Ngoài ra, Mỹ cũng công bố chỉ số lạm phát ưa thích nhất của Fed, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 5. Lạm phát tại Mỹ nếu cho thấy xu hướng hạ nhiệt, sẽ gây áp lực tới giá kim loại quý do vai trò làm hàng rào chống lạm phát bị suy yếu. Dữ liệu sản xuất tháng 5 của Trung Quốc thông qua chỉ số quản trị mua hàng (PMI) cũng sẽ có sức ảnh hưởng tới giá bạc và bạch kim, do vai trò đầu vào cho hoạt động công nghiệp ngày càng gia tăng. Theo MXV, nếu dữ liệu PMI tích cực, thể hiện sự mở rộng hoạt động các nhà máy, đà giảm của giá bạc và bạch kim có thể được hạn chế.
Theo Báo điện tử Chính phủ