Cần đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa
Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Nghị quyết 88 quy định: "Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học."; "Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông".
Tại thời điểm thảo luận Nghị quyết 88, đa số các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận trong xã hội đều mong muốn thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, xã hội hóa trong biên soạn SGK và tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các bộ sách, giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho các trường (theo đúng xu thế quốc tế).
Theo điều 5, Luật Xuất bản, có 7 bhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản SGK.
Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, các doanh nghiệp (nhà xuất bản) khác nhau sẽ được tham gia in ấn, phát hành… Đồng thời, cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các NXB tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn sách nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác của thị trường. Theo quy định của Luật Giá, giá SGK do doanh nghiệp tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT đã rà soát, sửa đổi, ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Trong đó đã quy định cấu trúc và nội dung SGK phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm (khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, quy định về kênh hình trong các trang SGK theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694:2011).
Bộ GD&ĐT đã đề nghị các nhà xuất bản kê khai giá SGK; rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách SGK; phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ SGK và truyền thông rộng rãi đến phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đủ thông tin về SGK theo chương trình mới.
Đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ các em về chi phí mua SGK, đồ dùng học tập. Ngoài các chế độ chính sách chung, hàng năm Bộ GD&ĐT đều phối hợp, đề nghị các địa phương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ SGK cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… trên địa bàn.
Việc triển khai đổi mới SGK phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết 88 đã thu hút được đông đảo đội ngũ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giỏi tham gia. Vì được nhiều nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành SGK diễn ra trong môi trường cạnh tranh theo đúng Luật Cạnh tranh năm 2018, không còn độc quyền trong xuất bản SGK như trước đây.
Tuy nhiên, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn... nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá. Bộ GD&ĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.
So sánh giá SGK nên có sự tương đồng
Tại phiên thảo luận tại tổ ở Quốc hội, ngày 25/5, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích về dư luận phản ánh tình trạng SGK tăng giá 2-3 lần. Theo Bộ trưởng, khi so sánh giá SGK nên có sự tương đồng. Tức giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Đơn cử, sách cho lớp 1, 2, 3, 7, 10, là biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội.
Các loại sách này được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn chứng, với bộ sách lớp 3, 7, 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do có chỉ đạo ráo riết nên năm nay giảm 10-15% so với năm trước, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.
Còn các bộ SGK thuộc chương trình 2016 giá thấp hơn sách mới, vì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho nhiều khâu như biên soạn, thẩm định. Sách cũ khổ nhỏ, giấy xấu hơn. Thế nên bộ SGK cũ giá 50.000-100.000 đồng, SGK mới giá 200.000-300.000 đồng, tùy từng loại.
"So sánh với sách cũ thì thấy khác nhau, nhưng so với sách chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý hơn. Nếu so giá sách mới với các bộ sách cũ được Nhà nước tổ chức trước đây để nói SGK tăng giá thì không tương đồng", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.
Ông Nguyễn Kim Sơn nói thêm, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mỗi loại sách dành 25.000 bản phát cho học sinh vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn ít, cần có biện pháp khác. Đồng thời, khi sách chưa phát hành, nhà xuất bản đã phải cung cấp bản PDF trên trang web, học sinh có thể tải xuống thuận tiện. "Bộ đang tiến hành các giải pháp để giá SGK hợp lý, thuận tiện nhất cho người học".
Lãnh đạo ngành giáo dục cũng khẳng định, SGK mới dùng lại được, chứ không phải dùng một lần rồi phải bỏ. Bộ đã chỉ đạo các trường tăng cường mua SGK để tại thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần.
Theo Nhật Nam / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ