Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam

29/12/2022 11:37

Quy hoạch 8 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường.

1- Vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới: Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ): Phát triển trồng 13 loài dược liệu bao gồm 04 loài bản địa: Bình vôi, Đẳng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn và 09 loài nhập nội: Actisô, Đỗ trọng, Độc hoạt, Đương quy, Hoàng bá, Mộc hương, Ô đầu, Tam thất, Xuyên khung với diện tích trồng khoảng 2,550 ha.

2- Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới: Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) và Lâm Đồng (Đà Lạt): Phát triển trồng 12 loài dược liệu bao gồm 05 loài bản địa: Bình vôi, Đảng sâm, Hà thủ ô đỏ, Tục đoạn, Ý dĩ và 07 loài nhập nội: Actisô, Bạch truật, Bạch chỉ, Dương cam cúc, Đỗ trọng, Đương quy, Huyền sâm với diện tích trồng khoảng 3,150 ha.

3- Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn: Phát triển trồng 16 loài dược liệu bao gồm 13 loài bản địa: Ba kích, Đinh lăng, Địa liền, Gấc, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Hồi, Quế, Sả, Sa nhân tím, Thanh hao hoa vàng, Ý dĩ và 03 loài nhập nội: Bạch chỉ, Bạch truật, Địa hoàng với diện tích trồng khoảng 4,600 ha.

4- Vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình: Phát triển trồng 20 loài dược liệu bao gồm 12 loài bản địa: Cúc hoa, Diệp hạ châu đắng, Địa liền, Đinh lăng, Gấc, Hòe, Củ mài, Hương nhu trắng, Râu mèo, ích mẫu, Thanh hao hoa vàng, Mã đề và 08 loài nhập nội: Bạc hà, Bạch chỉ, Bạch truật, Cát cánh, Địa hoàng, Đương quy, Ngưu tất, Trạch tả với diện tích trồng khoảng 6,400 ha.

5- Vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Ba kích, Diệp hạ châu đắng, Đinh lăng, Củ mài, Hòe, Hương nhu trắng, Ích mẫu, Nghệ vàng, Quế, Sả với diện tích trồng khoảng 3,300 ha.

6- Vùng Nam Trung Bộ: Quảng Nam, Khánh Hòa: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Bụp giấm, Diệp hạ châu đắng, Dừa cạn, Đậu ván trắng, Củ mài, Nghệ vàng, Quế, Râu mèo, Sa nhân tím, Sâm Ngọc linh với diện tích trồng khoảng 3,200 ha.

7- Vùng Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Gấc, Gừng, Hương nhu trắng, Đảng sâm, Nghệ vàng, Sa nhân tím, Sả, Sâm Ngọc linh, Trinh nữ hoàng cung, Ý dĩ với diện tích trồng khoảng 2,000 ha.

8- Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh: Phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm các loài bản địa: Gừng, Trinh nữ hoàng cung, Nghệ vàng, Nhàu, Rau đắng biển, Hoàn ngọc, Tràm, Xuyên tâm liên, Râu mèo và Kim tiền thảo với quy mô khoảng 3,000 ha.


(Ảnh minh họa)

Xây dựng 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đây là nơi tập chung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam. 

Để triển khai quy hoạch này, ngày 20/1/2015 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 179/QĐ-BYT về “Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của ngành Y tế” và Quyết định số 206/QĐ-BYT, ngày 22/1/2015 về việc Ban hành danh mục 54 cây dược liệu ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2015-2020,... Một số tỉnh như Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Thừa Thiên – Huế, Yên Bái,... đã xây dựng đề án/kế hoạch/quy hoạch phát triển cho tỉnh mình, từ đó kêu gọi đầu tư, xây dựng dự án và triển khai các hoạt động này.

TS. Trần Văn Ơn

Theo Tạp chí Sức Khoẻ Cộng Đồng

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp