Xác định rõ 10 nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm 2023

06/01/2023 12:32

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GĐ-ĐT) vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác trong năm 2022 vừa qua và đưa ra mục tiêu cho năm 2023. 

 

Kết quả báo cáo cho biết công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ GĐ-ĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi đạt được một số kết quả đáng khích lệ, cũng như nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022.

Một trong những kết quả nổi bật trong năm 2022 là tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tự chủ đại học, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Bên cạnh đó, về đội ngũ thì Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026; hướng dẫn các địa phương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho năm học 2022-2023. 

Một số kết quả khác của ngành giáo dục trong năm 2022 được Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng - ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh như làm tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam chừng mực, không hình thức, hay căn cứ vào tình hình phối hợp với các cơ quan liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung biên chế giáo viên… 

Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng nhìn nhận: Năm 2022, ngành Giáo dục đã thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể ứng phó dịch bệnh Covid-19. Toàn ngành đã có nhiều cố gắng trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học được tổ chức bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, thành công, không để xảy ra sự cố.


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VTV.

Cũng trong hội nghị này, Bộ GD-ĐT đã nêu rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, bao gồm:

Thứ nhất, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 59/KH-GS ngày 11/10/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ 2, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT. Trong đó, ưu tiên rà soát, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách đối với viên chức ngành giáo dục và thực hiện tự chủ đại học.

Thứ 3, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đối với công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

Thứ 4, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong GD-ĐT. Tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ 5, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiểu quả; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Thẩm định, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng.

Đồng thời, đa dạng hóa loại hình GD-ĐT đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân, trong đó quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập liên tục, suốt đời. Ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt. Chỉ đạo, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ sáu, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai xây dựng Luật Nhà giáo.

Thứ 7, trình ban hành và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện tự chủ đại học, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Bảo đảm và kiểm định chất lượng và hội nhập quốc tế.

Thứ 8, đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên. Hoàn thiện chính sách cho học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất, và y tế trường học và sức khỏe học đường, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Trong đó tiếp tục hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường và triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ cho các đối tượng trong ngành giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ 9, tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập trung triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học tại những vùng có nhu cầu.

Thứ 10, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT.

PV

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp