Vượt qua áp lực mùa thi: Tin tưởng, sẻ chia, tiết chế kỳ vọng

05/05/2023 15:26


Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh bị căng thẳng, trầm cảm và rối loạn tâm thần - Ảnh minh họa

Nhiều áp lực, gánh nặng trên vai học sinh

Những ngày này, học sinh lớp 9 ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang "chạy đua" ôn luyện để giành được suất vào lớp 10 tại các trường THPT công lập. Trong khi đó, học sinh lớp 12 trên khắp cả nước cũng đang trong giai đoạn "nước rút" chuẩn bị bước vào kỳ tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học vô cùng căng thẳng.

Đây đều là những kỳ thi quan trọng và cạnh tranh khốc liệt. Để tích lũy thêm kiến thức, nhiều học sinh quay cuồng trong lịch học kín mít, hết học chính khóa đến học thêm, ôn luyện ngày đêm đến quên ăn quên ngủ… Nhiều em mệt mỏi, phờ phạc, căng thẳng vì ôn thi.

Thùy Linh (học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày em chỉ ngủ khoảng 5 giờ đồng hồ, thời gian còn lại dành cho ôn luyện. Nhiều lúc Linh cảm thấy mệt mỏi, lo lắng khi kỳ thi vào lớp 10 ngày càng tới gần mà bản thân vẫn còn hổng nhiều kiến thức.

Tương tự, gần 1 tháng nay, Mạnh Hải (học sinh lớp 12 một trường THPT tại Hà Nội) cũng đang tập trung cao độ để ôn luyện kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực của một trường đại học có tiếng. "Bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào em. Để không phụ lòng bố mẹ và đạt được thành tích tốt nhất, em phải cố gắng học ngày, học đêm", Hải tâm sự.

Như vậy, học sinh cuối cấp không chỉ đối mặt nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, áp lực từ chính bản thân, từ bạn bè, thầy cô, mà còn cả áp lực từ chính phụ huynh.

Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con em của mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con rớt khỏi top 5, top 10 học sinh giỏi trong lớp và gây áp lực lại lên chính các con.

Cha mẹ nên làm gì để giúp con giải tỏa áp lực mùa thi?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, lo lắng, áp lực là tâm lý thường thấy của học sinh khi đứng trước những kỳ thi quan trọng. 

Áp lực không hoàn toàn là xấu, vì nó tạo động lực để các em cố gắng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nếu áp lực quá lớn mà không được giải tỏa thì lại có thể gây ra nhiều hệ lụy không tốt về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, trong giai đoạn thi cử căng thẳng, các bậc cha mẹ nên đồng hành để giúp con em mình giảm tải áp lực, vượt qua mùa thi một cách nhẹ nhàng.


"Cha mẹ hãy bồi đắp sức mạnh nội tại cho con để con có sức đề kháng bên trong mình để sẵn sàng đối diện với mọi thử thách”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh chia sẻ

Trước hết, cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, vì đó chính là áp lực vô hình đè nặng lên vai trẻ. 

"Nhiều cha mẹ kỳ vọng vào con vì muốn con xây nốt những giấc mơ dang dở mà mình chưa thực hiện được. Trước đây, cha mẹ không có điều kiện học hành, học chưa giỏi, hoặc trượt đại học, nên luôn khao khát con học giỏi, đỗ đạt. Cha mẹ mong được người khác ghi nhận thành công của mình thông qua thành tựu của con, mà quên mất rằng con có cuộc đời của con, nhiệm vụ của con không phải là viết tiếp giấc mơ của cha mẹ", bà Lanh phân tích.

Bà Nguyễn Thị Lanh chia sẻ về trường hợp chị H. ở Hải Dương, vợ chồng chị ly hôn đã lâu, một tay chị nuôi con khôn lớn, nên bao nhiêu kỳ vọng chị đều đặt vào con trai. 

Trước kỳ thi, chị không để cho con làm bất cứ việc nhà nào. Việc của con chỉ là học. 

Con trai chị suốt thời gian đó lầm lì, ít nói, chỉ quanh quẩn ăn và học. Kết quả là con trai của chị đã đỗ đại học với số điểm tương đối cao, nhưng sau đó có nhiều dấu hiệu trầm cảm, chị phải đưa con đi tham vấn tâm lý.

Bên cạnh giảm bớt kỳ vọng, chuyên gia tâm lý khuyên các bậc cha mẹ cần tìm hiểu về trường, ngành học… để có những tư vấn phù hợp với mong muốn và học lực của con. Tiếp đó, hãy trao cho con sự tin tưởng, nói với con rằng cha mẹ tin con sẽ làm được, song nếu con thi trượt thì cũng không sao, quan trọng là con đã cố gắng hết mình. 

Đồng thời, phân tích cho con hiểu áp lực thi cử chỉ là một trong vô vàn những vấn đề mà con sẽ phải đối mặt trong cuộc đời này. Từ đó, bồi đắp sức mạnh nội tại cho con để con có sức đề kháng bên trong mình, sẵn sàng đối diện với áp lực không chỉ trong thi cử, mà cả những thử thách của cuộc đời, mạnh mẽ vượt qua và trưởng thành từ chính những vấn đề mình gặp.

Song song với đó, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động, giờ giấc ngủ nghỉ của con. Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và giấc ngủ tạo ra năng lượng. Không thể có một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể yếu ớt. Cha mẹ động viên con ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao cùng con sẽ giúp con có một sức khỏe và tinh thần tốt để tự tin "vượt vũ môn".

Nhật Nam


Theo Báo điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp