Việt Nam tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu

07/12/2022 13:38

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, các hoạt động cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại đã góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thống kê từ Tổng Cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 674 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021.

Việt Nam tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh 1.

Các chuyên gia, các hoạt động cải cách hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ảnh: VGP/HQ

Hội nghị "Thương mại cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam" do Tổng cục Hải quan Việt Nam (Bộ Tài chính) và Dự án tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ (Dự án USAID TFP) phối hợp tổ chức diễn ra ngày 7/12 tại TPHCM.

Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, trong suốt hai thập kỷ qua, USAID đã hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Những nỗ lực chung này đã giúp các thương nhân tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Sự tham gia của khối doanh nghiệp đã và đang giữ vai trò quan trọng để tiếp nối những thành công. USAID trông đợi sẽ có thêm nhiều sự chung tay mạnh mẽ để tiếp tục nguồn động lực này.

Kể từ năm 2018, Dự án USAID TFP đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), một thủ tục xuất nhập khẩu thiết yếu nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm khoảng 15%.

Theo ông Claudio Dorrdi, cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.

Đề cập đến cải cách thủ tục hải quan, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, hải quan Việt Nam ngày càng cải cách, đổi mới, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Song song với đó, hải quan còn thực hiện những nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi trong khi các nguồn lực đảm bảo cho thực thi nhiệm vụ có hạn. Tiếp tục nâng cấp hệ thống thông quan, giảm thời gian, bớt phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, triển vọng thương mại Việt Nam cũng dựa trên những cam kết của các hiệp định thương mại đa phương và song phương sâu rộng và toàn diện. Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này không chỉ cam kết cắt giảm thuế quan sâu rộng mà còn là các hiệp định toàn diện có nội dung bao trùm lên nhiều lĩnh vực như đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, chất lượng và an toàn chuỗi cung ứng… 

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, các năm gần đây, triển vọng thương mại Việt Nam có sự tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất nhập khẩu. Theo thống kê, năm 2020, năm đầu tiên đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD).

Việt Nam tạo thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá Dự án USAID TFP góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại của DN ViệtNam. Ảnh: VGP/HQ

Xuất khẩu tăng khoảng 7%/năm trong 10 năm tới

"Việt Nam đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030. Đây là những con số thể hiện xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại mạnh mẽ và quan hệ giao lưu kinh tế giữa các nước ngày càng phát triển", ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ là kịp thời hơn bao giờ hết, đặc biệt liên quan đến việc Việt Nam thực thi Hiệp định tạo thuận lợi Thương mại của WTO. Dự án đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và pháp lý hiệu quả thông qua nhiều hoạt động, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan, nâng cao năng lực và phát triển quan hệ đối tác công-tư hiệu quả.

Trong quá trình nỗ lực cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hải quan nói riêng trong 4 năm vừa qua, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại TFP, các nhiệm vụ quan trọng về cải cách của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được triển khai thực hiện và đạt được kết quả nhất định, trong đó có thể kể đến như: Áp dụng toàn diện quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan thông qua việc thực hiện các quy định đồng bộ về quản lý rủi ro và triển khai chương trình thí điểm tự nguyện tuân thủ; Thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa quốc gia, cơ chế Một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin trên cơ chế Một cửa quốc gia; Thực hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên với định hướng tiệm cận với khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Hải quan Thế giới và thực hiện công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên đối với các nước thành viên ASEAN.

Lê Anh

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp