Ông Marc E.Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi
3 yếu tố giúp Việt Nam bảo đảm nguồn lực phòng, chống HIV bền vững
Ông Marc E.Knapper khẳng định, 3 yếu tố giúp Việt Nam bảo đảm nguồn lực phòng, chống HIV bền vững là sự lãnh đạo đúng hướng của Chính phủ, việc đặt ra những mục tiêu, dấu mốc rõ ràng cần đạt được và khả năng huy động sự tham gia của các bên liên quan trực tiếp. Và 3 yếu tố trên đã hỗ trợ quá trình thúc đẩy, chuyển giao thành công chương trình HIV của Việt Nam.
Ông Marc E.Knapper nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã làm được điều mà không nhiều chính phủ khác có thể làm được. Chính phủ đã nắm quyền chủ động tài chính cho các dịch vụ điều trị HIV thông qua bảo hiểm y tế.
Điển hình là từ năm 2019 đến năm 2022, quỹ bảo hiểm y tế của Việt Nam đã đóng góp khoảng 10 triệu USD hằng năm cho các chương trình chăm sóc và điều trị HIV, đáp ứng tới 70% tổng nhu cầu thuốc ARV thiết yếu tại Việt Nam.
"Đây là một thành tích đáng ghi nhận, nhất là khi so sánh các nguồn lực trong nước chiếm chưa đến 10% kinh phí cho thuốc ARV trước năm 2019. Việc đưa các dịch vụ điều trị HIV vào nền tảng bảo hiểm y tế xã hội là một ví dụ điển hình cho thấy tiến bộ của Việt Nam trên hành trình hướng tới duy trì bễn vững ứng phó quốc gia với HIV", ông Marc E.Knapper đánh giá.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng thực hiện các chương trình ứng phó HIV quốc gia tiên tiến và sáng tạo. Chẳng hạn như chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và dịch vụ lao/HIV cũng đã huy động thành công các nguồn lực trong nước. Do đó, các mô hình Việt Nam thực hiện là ngôi sao sáng cho các nước noi theo.
Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) trong giai đoan 2004-2009. Kể từ đây, để quy về một mối hầu hết các tài trợ từ tổ chức Chính phủ và Phi Chính phủ Hoa Kỳ cho Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đều nhận kinh phí của PEPFAR.
PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua. Theo báo cáo, ngân sách chi cho phòng, chống AIDS những năm gần đây có đến 65% là nguồn viện trợ thì nguồn hỗ trợ của PEPFAR chiếm tới 60%.
Về giám sát dịch, PEPFAR đã hỗ trợ trong việc tìm ca, đưa ra các biện pháp cảnh báo sớm về xu hướng dịch góp phần ngăn chặn dịch và khống chế dịch HIV. Đa dạng trong các mô hình dự phòng, hàng loạt các sáng kiến, giải pháp trong dự phòng HIV/AIDS được thí điểm và triển khai mở rộng như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, Buprenorphine và Methadone mang về nhà.
Chương trình PEPFAR của Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại hơn 30 quốc gia và Việt Nam nổi bật trên toàn cầu như một tấm gương về tính bền vững và huy động nguồn lực trong nước. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã huy động tăng từ mức dưới 25% vào năm 2013 và đạt được hơn 53% kinh phí dành cho HIV trong năm nay.
Cùng đồng hành để tiến tới kiểm soát dịch HIV vào năm 2030
Ông Marc E.Knapper khẳng định, PEPFAR tự hào là đối tác đóng góp vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và huy động tài chính trong nước. Thông qua mối quan hệ hợp tác đối tác tin cậy, chúng ta cùng hợp tác để bảo đảm nguồn lực huy động cho phòng chống HIV ở tuyến tỉnh tăng hằng năm nhằm đạt được kết quả ấn tượng trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
"Mối quan hệ hợp tác song phương hiệu quả của chúng ta đáp ứng các mục tiêu của cả Mỹ và Việt Nam về tiến tới kiểm soát dịch HIV vào năm 2030 - với việc Việt Nam đạt một trong những quốc gia có tỷ lệ ức chế virus cao nhất trên toàn cầu ở mức 98%", ông Marc E.Knapper cho hay.
Để góp phần bảo đảm nguồn lực phòng, chống HIV bền vững, ông Marc E.Knapper cho rằng, vai trò của các tổ chức dựa vào cộng đồng và các doanh nghiệp xã hội cũng đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc này, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ HIV. Tại Việt Nam trước năm 2014, tất cả các dịch vụ HIV được cung cấp trong khu vực công và bởi các nhân viên y tế. Tuy nhiên, hiện nay đã có đến hơn 40 phòng khám tư nhân phục vụ các nhóm đối tượng chính và những người sống chung với HIV, phần lớn trong số đó được điều hành bởi các nhóm đối tượng chính.
Điều này dẫn đến nhiều lựa chọn hơn và kết quả là tăng khả năng sử dụng dịch vụ. Ví dụ, mặc dù các nhà cung cấp tư nhân chỉ chiếm 25% số phòng khám dụng dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) ở Việt Nam, nhưng khoảng một nửa số người sử dụng dự phòng trước phơi nhiễm PrEP ở Việt Nam tìm kiếm các dịch vụ HIV thông qua các dịch vụ của khu vực tư nhân này.
Tại Việt Nam, chương trình thí điểm hợp đồng xã hội cũng đã được triển khai, trong đó chính phủ cung cấp kinh phí cho các dịch vụ HIV do các tổ chức xã hội cung cấp, chẳng hạn như các tổ chức dựa vào cộng đồng và doanh nghiệp xã hội, là một lựa chọn hiệu quả về chi phí giúp tăng cường hợp tác giữa chính phủ và các đối tác này trong việc huy động các quần thể đích tiếp cận các dịch vụ HIV chất lượng cao.
Ông Marc E.Knapper cho hay, hiện PEPFAR đang tìm cách phát huy thành công của quá trình chuyển đổi điều trị HIV để hỗ trợ Việt Nam huy động nguồn tài chính bền vững và hiệu quả cho các hoạt động dự phòng HIV quan trọng như PrEP.
"Thực hiện song song đối với cả công tác điều trị và dự phòng, Chính phủ Mỹ mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xây dựng một danh mục nguồn lực trong nước mạnh mẽ, bao gồm sự tham gia và đóng góp có ý nghĩa từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng", Đại sứ Marc E.Knapper nhấn mạnh.
Thùy Chi
Theo Báo điện tử Chính phủ