Việt Nam dẫn đầu ASEAN về quy mô, tỉ lệ các nguồn điện gió, điện mặt trời

30/08/2022 13:21

(Chinhphu.vn) - Cơ chế giá cố định khuyến khích với điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỉ lệ năng lượng tái cạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời - Ảnh 1.
Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỉ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tín đến quý I/2022).

Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô cũng như tỉ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý I/2022)

Tại hội thảo quốc tế: "Chính sách phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam" do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 30/8, các chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích (FIT), đến 31/12/2020, hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng với cơ chế giá FIT, đến ngày 31/10/2021, hệ thống điện đã tiếp nhận và đưa vào vận hành khoảng 4.000 MW điện gió. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) cho biết tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW (tăng gần 7.500 MW so với năm 2020). Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.

Theo ước tính, hiện nay ngành năng lượng đóng góp khoảng 70% tổng lượng phát thải dioxit carbon toàn quốc. Vì vậy, tỉ trọng nguồn năng lượng sạch càng cao sẽ tác động rất lớn đến việc đảm bảo mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Hiện tại, tỉ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn NLTT khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện gió đạt 16.100 MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500 MW và có thể thêm khoảng 2.400 MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau.

Về điện khí LNG, đến nay có 14 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến trong Quy hoạch điện VIII (tổng công suất 23.900 MW). Ngoài ra có hơn 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất hơn 115.000 MW.

Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Việt Nam dẫn đầu ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời - Ảnh 2.
Phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư mong đợi hiện nay là chính sách nào sẽ nối tiếp cơ chế FIT để quá trình phát triển năng lượng tái tạo được liên tục, tận dụng đà tăng trưởng cũng như các lợi thế rõ ràng trong chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, tài chính vừa qua.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than, phát triển nhiều hơn các nguồn năng lượng sạch, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia, đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hoá lỏng (LNG) tại các địa phương. 

Tuy nhiên, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí này vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện.

Tại hội thảo nói trên, các đại biểu đã thỏa luận những vấn đề về đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) và điện khí như khả năng hoàn thành, mức độ rủi ro tài chính của các dự án, đề xuất về chính sách và khả năng đầu tư phát triển NLTT theo hướng phát triển bền vững; giải pháp về công nghệ điện mặt trời, điện gió (nhất là công nghệ về inveter, turbine, bộ điều tốc...) để giảm tác động xấu đến vận hành hệ thống điện khi đấu nối tích hợp tỉ lệ cao; về nghiên cứu cơ hội và khả năng huy động vốn. Chính sách cho vay vốn với các dự án năng lượng sạch, NLTT và điều kiện cho các chủ đầu tư vay vốn để phát triển dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí; cơ chế về mua bán điện trực tiếp DPPA. Cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện khí và chính sách lưu ý về quy hoạch, kế hoạch triển khai danh mục các dự án…

Sau hội thảo, Ban Tổ chức phối hợp các đơn vị quản lý chức năng Bộ Công Thương sẽ báo cáo tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị để đề xuất các cấp thẩm quyền xem xét, sớm ban hành các quy định phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế. Qua đó tạo điều kiện cho các dự án năng lượng nói chung, NLTT nói riêng phát triển bền vững theo định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.


Theo Lê Phạm / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Dành cho doanh nghiệp