Ứng viên Giáo sư trẻ nhất năm 2022 - PGS.TS. Lê Văn Cảnh: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn quay về Việt Nam”

10/11/2022 20:00

PGS.TS. Lê Văn Cảnh (sinh 11/11/1979, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) là ứng viên trẻ tuổi nhất được xét đạt chuẩn Giáo sư trong danh sách 383 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước năm 2022 công bố.

Nói về sự chọn lựa quay lại Việt Nam sau khi học xong chương trình Tiến sĩ ở Anh Quốc năm 2010, ông Cảnh tâm sự: “Nếu được chọn lựa lại, tôi vẫn quay về Việt Nam”. 

Khi hay tin mình trở thành ứng viên Giáo sư trẻ nhất năm 2022, ông thấy thế nào?
PGS.TS. Lê Văn Cảnh: Tôi khá bất ngờ. Cả ngày 1/11, tôi họp từ sáng tới chiều. Thông tin mình là ứng viên Giáo sư trẻ nhất năm nay, tôi nghe được từ bạn phụ trách truyền thông của trường. Bạn gửi cho tôi một bài báo. Đọc mà vừa vui vừa ngợp. Sau đó cũng có nhiều anh chị phóng viên gọi điện hẹn phỏng vấn và nhiều thầy cô, anh chị nhắn tin chúc mừng, tôi cảm giác vẫn không tin được. 
Thật ra, chuyện trẻ hay không trẻ với tôi không quan trọng. Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi những thành quả nghiên cứu được xuất hiện sớm. Tuy nhiên, sự may mắn này chỉ có khi sự tích lũy đủ đi cùng với sự cố gắng của bản thân mình trong nhiều năm. 

Nhiều người cho rằng nghiên cứu khoa học là công việc mạo hiểm, nhiều rủi ro và thất bại, với ông thì sao?
- Trong nghiên cứu, tôi nghĩ không có sự thất bại mà chỉ là những cái ngưỡng mà những người làm nghiên cứu phải vượt qua nếu muốn có được thành quả. Để đạt được thành quả thì không thể thiếu sự nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại. Làm khoa học không thể đốt cháy giai đoạn được, nó là sự thẩm thấu qua thời gian, là kết quả của rất nhiều tháng ngày bỏ công sức vào đó. Sau những cố gắng và nỗ lực mà kết quả nghiên cứu không đúng như kỳ vọng, nhiều người cho đó là thất bại, với tôi kết quả đó cũng có ích, giúp cho những người đi sau tránh lặp lại.
Với tôi, nhà khoa học phải có sự tìm hiểu, sự sáng tạo và đòi hỏi sự khắt khe về cái mới. Cái mới mà mình biết chưa chắc là cái mới của cộng đồng. Chính vì thế, để tạo ra cái mới thật sự, nhà khoa học phải đọc và đọc rất nhiều tài liệu về lĩnh vực mình nghiên cứu. 

Dù thế nào đi nữa thì ông cũng đã chạm đến đỉnh cao việc học hành. Tuy nhiên, ông có thể chia sẻ về những hạn chế của mình? 
- Hạn chế của tôi nhiều lắm. Tôi còn nhiều khuyết điểm. Tôi nghĩ mình chưa có đủ sự tập trung cho công việc trong khi mình có thể làm hơn như vậy. Đôi khi, tôi bị sao nhãng vì những tác động bên ngoài. Nếu được, tôi sẽ cố gắng hơn cho việc tập trung mục tiêu của mình. 

Gia đình nhỏ của ông tác động thế nào đến công việc của ông?
- Tôi thật sự quá may mắn khi nhận được sự ủng hộ của những người thân thương. Tôi cảm thấy mình chưa dành đủ thời gian để dạy dỗ con mình, khích lệ con phát triển bản thân. Nên sau này tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian với con hơn. Hiện tại mỗi khi rảnh, tôi đều cố gắng lấy một cuốn sách đọc cùng con để giúp các con tách mình ra khỏi môi trường ảo. 
Tôi cũng hay nói với các bạn sinh viên của mình, các bạn đang mất quá nhiều thời gian cho thế giới ảo mà quên đi những giá trị thật, những tình cảm thật sự của mình. Tôi cũng biết là rất khó nhưng nếu được, các bạn hãy dành thời gian để làm gì đó có ích thay vì mất nhiều tiếng mỗi ngày vùi đầu vào thế giới ảo để giải trí. Những khoảng thời gian tuổi trẻ nếu mất đi vì những giá trị ảo thì quá uổng phí. Các bạn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện cho mình thành thạo một kỹ năng nào đó, một ngoại ngữ nào đó... Như vậy, tuổi trẻ của các bạn sẽ đẹp hơn rất nhiều, các bạn sẽ không nuối tiếc về sau. 

Ông có thể chia sẻ ngắn về hành trình học hành và chọn nghề của mình?
- Khi học xong THPT, tôi thi vào Trường Đại học Kiến trúc, phân viện tại TP.HCM. Tôi lựa chọn học ngành xây dựng với mong muốn nghề này sẽ giúp bản thân và gia đình thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả học tập tốt ở bậc Đại học đã giúp tôi nhận được học bổng của GS.TS. Nguyễn Đăng Hưng và Trường Đại học Liege (Vương Quốc Bỉ) học tiếp Thạc sĩ ngành Cơ học, chuyên ngành Cơ học công trình. Đây là chương trình học của Đại học Liege, do chính các giáo sư từ Bỉ và Châu Âu qua Việt Nam dạy. 
Bước ngoặt đặc biệt phải kể đến năm 2005, sau khi học xong cao học, tôi lại được chọn trao học bổng để đến Anh trở thành nghiên cứu sinh của Trường Đại học Sheffield. Năm 2010, sau khi hoàn thành chương trình học, tôi về nước và công tác tại Bộ môn Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM). Năm 2013, tôi đạt chuẩn Phó Giáo sư lúc 34 tuổi và đạt giải thưởng Quả cầu vàng của Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ trao. 

Hành trình đi học, đi làm của ông có gì đáng nhớ? 
- Vào thời điểm đó, tôi đứng trước nhiều sự lựa chọn. Tôi có thể từ chối học bổng đi nước ngoài học và chọn học tiến sĩ trong nước hoặc vẫn đi làm. Và cho tới bây giờ, tôi thấy lựa chọn của mình khi đó là đúng đắn. Việc ra nước ngoài với tôi năm đó là một bước nhảy vọt về tư duy và cả sự nghiệp của mình. 
Tôi còn nhớ, trên chuyến bay qua Anh - cũng là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài của tôi - tôi đã nhận được nhiều hơn kiến thức mà mình được học. Năm đó, tôi bay qua Thái Lan rồi dừng lại để quá cảnh tiếp qua Anh nhưng khi thực hiện thủ tục chuyển tiếp thì hệ thống bị lỗi nên tôi không tiếp tục được chuyển tiếp chuyến bay. Lần đầu ra nước ngoài mà gặp chuyện trục trặc nên tôi khá lo lắng. Đêm đó, ở lại sân bay để sáng mai bay qua Hồng Kông rồi tiếp tục bay qua Anh mà tôi mất ngủ. Khi qua đến London Anh thì đã hơn 11 giờ tối của ngày hôm sau nữa. 
Tôi loay hoay ở nhà ga vì khi đó tôi chỉ có tiền mặt mà các chuyến xe, chuyến tàu để tới trường học (cách đó vài trăm km) đều yêu cầu dùng thẻ mua vé (vì đã quá giờ dùng tiền mặt). Tôi không biết làm sao thì gặp được một quý nhân, tôi trình bày chuyện của mình và xin giúp đỡ với một người đàn ông Anh xa lạ. Người đàn ông đó lại là Giáo sư ở Đại học Oxford. Khi nghe tôi từ Việt Nam sang gặp trục trặc thì ông ngay lập tức đến xin cô soát vé xe buýt cho tôi dùng tiền mặt để trả thay vì phải có thẻ. Và tôi đã may mắn lên chuyến xe buýt ấy. Hơn 30 tiếng căng thẳng mới tới được Anh, tôi ngủ gục trên xe. Cô soát vé ấy đã trông hộ toàn bộ hành lý của tôi và khi xuống xe thì cô đã miễn phí luôn tiền xe của tôi. Tôi cảm động vô cùng với sự cư xử văn minh và đầy tình người của những người xa lạ mà tôi vừa gặp ở Anh. Tôi xem đây như là phần học bổng xe buýt đầu tiên tôi nhận được. 

Học xong trở về Việt Nam, ông có thấy tiếc không?
- Nhiều người hay hỏi tôi câu này... Tôi chỉ muốn nói, tôi chọn lựa quay về. Tôi nghĩ mình nhận được học bổng của Thành phố và được kỳ vọng sẽ có thể đem kiến thức quay về giúp ích quê hương. Do đó tôi không thể phụ sự kỳ vọng đó. Tôi đã nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ quê nhà. Hơn nữa, ở Việt Nam còn ba mẹ tôi, còn gia đình lớn của tôi. Quay về, tôi sẽ có điều kiện chăm sóc và gần gũi ba mẹ hơn. Đặc biệt, thời điểm đó, ở Anh, tôi nghe nhiều anh chị nói về Trường Đại học Quốc tế - một ngôi trường dạy bằng tiếng Anh và có môi trường nghiên cứu hiện đại, tiệm cận với nước ngoài, có chế độ lương thưởng hợp lý - nên tôi đã mạnh dạn trở về và xin vào đây để công tác.  
Bên cạnh đó, tôi mạnh dạn về cũng một phần do ngành nghiên cứu của tôi chỉ cần một chiếc máy tính thật mạnh chứ không cần phải có phòng thí nghiệm cực kỳ hiện đại nên việc cân nhắc về hay ở của tôi cũng không nặng nề. 
Ông mong muốn gì khi quyết định trở về Việt Nam?
- Một trong những mong muốn của tôi khi về Việt Nam đó là có thể góp phần thay đổi được môi trường nghiên cứu, môi trường học thuật của quê nhà. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng để đem về những phần học bổng, những tài trợ từ bên ngoài về cho các bạn trẻ để động viên thầy cô, học viên, sinh viên cố gắng trong con đường nghiên cứu gian lao đã chọn. 
Tôi cũng luôn cố gắng động viên thầy cô trong trường trong nghiên cứu khoa học. Khi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách mảng Nghiên cứu khoa học và các chương trình liên kết với các đối tác bên ngoài, tôi cảm thấy mình đã được trao thêm cơ hội để thực hiện mong muốn đó.  

Ông có gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học?
- Những khó khăn, trở ngại trong nghiên cứu khoa học luôn có và rõ ràng ai cũng sẽ bị vướng mắc. Trong đó, về mặt giấy tờ hành chính rất mất thời gian của các nhà khoa học khi ngay cả việc đấu thầu mua hóa chất, thiết bị thí nghiệm cũng khiến cho ách tắc công việc nghiên cứu của các thầy cô. Tôi mong sao ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn tới những ứng dụng của các công trình mà những nhà khoa học đã nghiên cứu, có thêm những đầu tư thích đáng để tiếp thêm sức mạnh cho các nhà khoa học Việt Nam. 


Một ngày của ông như thế nào khi vừa làm quản lý, làm nghiên cứu, đi dạy học? 
- Mọi người ai cũng sẽ quan tâm đến việc sắp xếp thời gian hiệu quả để hoàn thành các công việc của mình, vì ai cũng chỉ có 24 giờ trong một ngày. Thật ra, giờ hành chính thì tôi giải quyết công việc của trường giao làm quản lý (phụ trách mảng Nghiên cứu khoa học, Cơ sở vật chất, Công tác sinh viên và Quan hệ đối ngoại), những lúc rảnh vào giờ trưa tôi thường gặp nhóm nghiên cứu của mình để trao đổi. Sau giờ chiều tan ca, tôi tranh thủ đón con hoặc chơi thể thao. Tối khi rảnh tôi dành thời gian đọc tài liệu, đọc sách, viết báo khoa học. Tôi cố gắng thức khuya hơn một chút để có thể làm thêm được các công việc của bản thân mình đặt ra mục tiêu. 
Công việc của tôi cần sự yên tĩnh để tập trung nên giờ khuya khi mọi người đi ngủ cũng là lúc năng suất làm việc của tôi lên mức cao nhất. Về lâu dài thì việc thức khuya cũng không tốt lắm nên đa phần tôi sẽ cố gắng tập trung cao độ và tuân thủ thời gian biểu của mình một cách nghiêm ngặt để có thể kết thúc công việc sớm hơn một chút. 
Thật ra, với những sinh viên ngành Xây dựng thì làm việc về đêm là một thói quen khó bỏ và thành truyền thống rồi. Tuy nhiên, khi sức khỏe giảm sút thì bản thân cũng nên cân nhắc việc thay đổi khung giờ một chút. Ngoài ra, cuối tuần khi rảnh, tôi đều dành cho bản thân một ít thời gian để chơi thể thao hay đi du lịch. Nhiều người cũng thắc mắc vì sao đã quá nhiều việc để làm rồi còn thời gian để chơi thể thao hay du lịch? Nhưng, thật ra, chơi thể thao hay đi du lịch giúp cho tôi giảm tải áp lực của công việc và áp lực về việc nghiên cứu. 

Xin cám ơn!

 

Ngọc Chương thực hiện

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp