Để tìm ra giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp khi vừa ứng dụng chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, vừa ngăn chặn được hàng giả, bảo vệ được các quyền sở hữu trí tuệ của mình trên nền tảng số; đồng thời giúp các cơ quan chức năng, thực thi tìm ra các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh trên môi trường internet, đặc biệt là thương mại ddienj tử (TMĐT), ngày 9/12/2022, Cục sở hữu trí tuệ - VPDD tại TPHCM, Hội Sáng chế Việt Nam, Công ty Vina CHG và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam (CHG.VN) tổ chức Hội thảo về "Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng, chống hàng giả".
Chuyển đổi số không chỉ tác động đến đến bản thân tổ chức hay doanh nghiệp, mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối... mở rộng ra là toàn thể xã hội. Bên cạnh đó, hiểu theo nghĩa hẹp, chuyển đổi số chính là áp dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động của tổ chức, xã hội, nhằm đem lại hiệu quả mới mẻ, nhanh chóng, tốt hơn.
Trong thời gian qua, sự phát triển của khoa học, công nghệ cùng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã góp thúc đẩy dịch chuyển kinh doanh và nhiều hoạt động xã hội từ mô hình truyền thống sang môi trường số hoá, đồng thời khiến cho xu hướng chuyển đổi số ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cũng đem đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhất là trong công tác bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng số.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, có khoảng 50% các vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ diễn ra trên môi trường internet, cụ thể là thương mại điện tử. Từ đó, có thể thấy công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái đang đứng trước nhiều thách thức mới, từ cách tiếp cận vấn đề, xây dựng hàng lang pháp lý, chính sách cho đến biện pháp điều tra, xử lý vi phạm..
Về sự nguy hại cũng như thiệt hại của hàng giả, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phân tích hệ lụy của hành giả là vô cùng lớn. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mà nguy hại hơn là ảnh hưởng đến quyền lợi và nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt, nó còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và ngân sách của Nhà nước.
Do sử dụng công nghệ thông tin nên quy mô và thủ đoạn của hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi, đa dạng. Nó không chỉ trong một vùng, một nước mà hệ thống của nó có thể đa quốc gia dựa trên môi trường mạng internet.
Chính vì vậy theo ông Dũng, về quản lý trên mạng intenet, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Cơ quan quản lý thị trường, nhà mạng, cơ quan quản lý nhà nước và rất cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, để ngăn chặn cần nâng cao mức phạt về dân sự và nếu những vụ nguy hiểm ảnh hưởng lớn cần phải truy tố.
Chia sẻ những giải pháp từ việc ứng dụng công nghệ số trong chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG cho biết, là một doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa ra những giải pháp chống hàng giả, hàng nhái từ rất lâu, hiện nay CHG đã triển khai thêm nhiều ứng dụng mới như đầu tư thêm nhà máy, công cụ để sản xuất con tem chống hàng giả loại mới, hiện đại nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện hàng hóa và góp phần cùng cơ quan quản lý Nhà nước giám sát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mới đây, Công ty Vina CHG đã mở rộng đầu tư mở xây một nhà máy sản xuất tem chống giả trên bao bì. Theo ông Hồng, việc dùng tem chống giả trên bao bì sẽ giúp doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí cho chống hàng giả. Vì trước đây thay vì phải dán tem chống giả trên từng sản phẩm thì bây giờ có thể tiết kiệm bằng việc dán trên một bao bì.
Bên cạnh đó, CHG cũng đã tậ trung thiết kế một phần mềm để truy vết nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp truy vết kho. Vì hệ thống đại lý quản lý tốt thì sẽ không có chuyện tuồn hàng giả vào.
Tuy nhiên, đa số các diễn giả, đại biểu, doanh nghiệp và người tham dự hội thảo đều cho rằng, một giải pháp căn cơ và góp phần hiệu quả rất lớn vào quá trình đấu tranh với hàng giả chính là người tiêu dùng. Sự phát hiện, tố giác và tẩy chay của người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi hàng giả khỏi thị trường.
Nhằm giúp người tiêu dùng có các kinh nghiệm, kiến thức để nhận diện hàng giả, đại diện bộ Công Thương cho rằng cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về những nguy hại của hàng giả tới doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng cũng như phổ biến kiến thức rộng rãi để giúp tiêu dùng mua được hàng thật, hàng chất lượng, hàng đúng giá.
Theo đó, người tiêu dùng nên chọn những trang website đã được đăng ký với Bộ Công Thương hoặc cơ quan chủ quản nhà nước. Mua ở gian hàng ở các nền tảng thương mại điện tử chính thức. Bởi vì tất cả những hàng hóa đó sẽ được đảm bảo về chất lượng, giá cả. Trước khi mua hàng cần đọc kỹ những bình luận ít sao để tìm hiểu xem những hạn chế của sản phẩm đó là gì để từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác cho sự lựa chọn của mình.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đã từng bị hàng giả, hàng nhái tấn công, đại diện Công ty Nón Sơn kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ trong chia sẻ thông tin. Từ thông tin đăng ký sở hữu sản phẩm mới hay xử lý các trường hợp hàng giả để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn.
Vì hàng giả là siêu lợi nhuận nên mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã không ngừng tổ chức truy quét, xử phạt nhưng tình trạng này không chỉ không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, Chính vì vậy theo đại diện Nón Sơn, Nhà nước phải tăng cường các biện pháp chế tài mạnh mẽ, nhanh, kiên quyết hơn nữa và nếu nguy hại phải có truy tố hình sự mới có tính răn đe. Các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nhanh các trường hợp vi phạm…
Minh Thi
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ