Ngày 15/5, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp-tuyển sinh năm 2022.
Giám đốc Trung tâm Bùi Văn Linh cho biết đây là một trong chuỗi hoạt động nhằm cung cấp các thông tin thiết thực cho học sinh THPT phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Qua đó, góp phần giúp các em học sinh chuẩn bị tâm thế xác định được phương hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Các em học sinh sẽ được tìm hiểu về các ngành nghề yêu thích, các ngành nghề có sức hấp dẫn lớn ở xã hội, trên thị trường lao động. Đây là thông tin bổ ích hỗ trợ cho các em trong quá trình chọn trường, chọn nghề đào tạo phù hợp với khả năng năng lực và nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Linh mong muốn chương trình là cầu nối hữu ích trong quá trình cung cấp những thông tin thiết thực hiệu quả, giúp học sinh toàn quốc, nhất là học sinh lớp 12 có định hướng nghề nghiệp tốt, có cơ sở để lựa chọn ngành nghề, chọn trường cho mình trong tương lai phù hợp với năng lực sở thích của mình, đặc biệt lựa chọn ngành nghề tốt sau khi tốt nghiệp sau này.
Chương trình được theo dõi của 63 Sở GD&ĐT trên cả nước, các trường THPT đã chuyển thông tin chương trình đến các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp và các em học sinh nhóm lớp 12 tham gia.
Bên cạnh việc cung cấp và trao đổi thông tin về tư vấn hướng nghiệp, thông tin về xu hướng việc làm nghề nghiệp, tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ những điểm mới của kỳ thi tuyển sinh năm 2022. Đó là việc đăng ký xét tuyển thực hiện trực tuyến được thực hiện tốt.
Ngoài ra, khi các em đăng ký xét tuyển thì sẽ đăng ký vào tất cả các nguyện vọng xét tuyển, dù là phương thức tuyển sinh nào, ngành đào tạo nào của trường nào mình mong muốn thì đều đăng ký vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ (hệ thống lọc ảo).
Một điểm nữa là đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng của mình trong cùng 1 đợt thay vì 2 đợt như những năm trước. Việc này sẽ tiến hành sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo bà Thủy, với sự phát triển của cơ sở dữ liệu ngành hiện nay, khi xét tuyển bằng kết quả học tập vào nhiều cơ sở đào tạo, trước kia các em phải chuẩn bị rất nhiều bộ hồ sơ, các trường THPT phải mất thời gian sao in, chứng thực kết quả học tập cho các em, gây tốn kém thì hiện nay các cơ sở đào tạo chỉ cần cập nhật kết quả học tập của thí sinh vào hệ thống xét tuyển. Các trường đại học sử dụng kết quả đó để sơ tuyển và dữ liệu chính xác, tránh sai sót trong quá trình xét tuyển.
Bên cạnh đó, bà Thủy nhấn mạnh rằng các trường không được hạn chế quyền lựa chọn của thí sinh. Thí sinh sắp xếp nguyện vọng nào cũng được. Khi các em không đỗ ở nguyện vọng cao hơn thì các em có thể trúng tuyển ở những nguyện vọng thấp hơn và cũng không bị mất đi cơ hội. Các em vẫn có thể trúng tuyển ở nguyện vọng thứ 10, thứ 20, đó là chuyện rất bình thường.
Những giải pháp trên đây là hướng tới đảm bảo công bằng cho thí sinh, bình đẳng với các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết.
Theo Nhật Nam / Cổng Thông tin điện tử Chính phủ