Với GRDP chỉ đạt 0,7%, con số tăng trưởng được xem là thấp kỷ lục của TP.HCM, chính quyền TP vừa qua đã tổ chức phiên họp sơ kết quý I, đưa ra những giải pháp nhằm quyết liệt hành động, tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển trở lại.
Trước đó, TP đã đặt mục tiêu kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 7,5-8% cho năm 2023, cao hơn mức cả nước (6,5%).
Hơn 42.000 tỷ đồng cần giải ngân, chuẩn bị đón đầu tư nâng trần hơn 190.000 tỷ đồng
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước TP cung cấp, đến 24/3, tổng vốn đầu tư công của TP mới giải ngân được 951,515 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2% tổng số vốn giao (43.443,336 tỷ đồng). Như vậy, từ giờ đến cuối năm, TP còn hơn 42.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, quý 1 chỉ giải ngân có 2% vốn đầu tư công, có nghĩa là TP bỏ hoàn toàn công cụ này.
“Tuần trước tôi gặp 40 doanh nghiệp ngành xây dựng, họ nói với tôi TP này không có việc gì làm hết, mọi thứ đang đứng tại chỗ (!). Như thế cho thấy, TP phải thay đổi mạnh mẽ, không thể trì trệ trước tiến bộ mới, cần công khai, minh bạch toàn bộ. Đây là điểm mấu chốt, vì doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta sẽ phát triển”, TS Lịch nói.
Chủ trì phiên họp sơ kết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định, sau đại dịch Covid-19, TP đã bật dậy sau cơn “bạo bệnh” nhưng hiện tại chưa thể đứng dậy đi luôn, mà “quằn quại” trở lại. Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi, vậy việc “điều trị” đã đúng “phác đồ” chưa? Báo cáo thấy triển khai nghiêm túc, kịp thời, có những điểm sáng trong sáng tạo - đổi mới, nhưng tại sao chưa hiệu quả? Từ đó, ông Nên đề nghị các sở ban ngành nói thẳng, nhìn thẳng vào các nguyên nhân chủ quan, từng lĩnh vực phải rà soát đã làm hết sức hay chưa… |
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP sẽ nỗ lực thực hiện để đảm bảo kết quả giải ngân ít nhất đạt 95%. Theo đó, TP ban hành, triển khai thực hiện chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, bên cạnh là rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy cơ chế hoạt động của 3 tổ công tác, gồm tổ đầu tư công, tổ vốn ODA, tổ vốn đầu tư lớn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
“TP được hưởng vượt thu năm 2022 và được đầu tư trở lại 72.000 tỷ đồng, dù kinh phí chưa chính thức thông qua nhưng phải chuẩn bị sẵn các dự án, gắn với việc nâng trần trung hạn. Nếu nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cho phép nâng trần, TP cũng phải chuẩn bị khả năng thu và các hồ sơ dự án để chi cho gói dự án nâng trần 119.000 tỷ đồng”, ông Mãi cho hay.
Đồng thời, quý 2 này, TP rà soát, ban hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư năm 2023; xem xét, đề xuất việc đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP; tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, Dự án Rạch Xuyên tâm, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50… và các công trình đã khởi công.
Ông Mãi nhấn mạnh về vấn đề mua sắm công cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, từ đó giao Sở Tài chính và Sở Tư pháp khẩn trương hoàn thiện đề án để triển khai trong tháng 4.
TP họp định kỳ mỗi 1-2 tuần, quyết tâm cho dự án bất động sản chạy
Thông tin tại phiên họp, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết quý 1 TP đã chấp thuận 5 dự án nhà ở được phép huy động vốn với tổng số tiền cần huy động là 105.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các dự án đang gặp vướng mắc về các chính sách tài chính của ngân hàng, cần được tháo gỡ để đưa ra thị trường 7.753 căn hộ.
Ông Quân cũng đề xuất 6 nội dung để phát triển dự án bất động sản, tham mưu UBND TP phân nhóm dự án quy trách nhiệm các sở ngành để tháo gỡ cho các dự án.
“Hiện lĩnh vực đầu tư có 25 khu đất, lĩnh vực tài chính có 12 khu đất, lĩnh vực xây dựng có 11 khu đất, lĩnh vực đất đai có 4 khu đất, lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng có 5 khu đất, thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường có 5 dự án. Nếu giải quyết được trên 60 dự án này thì sản phẩm sẽ đưa được ra thị trường trong quý 2 và các quý tiếp theo của năm 2023”, ông Quân nêu.
Giải quyết các dự án chậm triển khai, chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định trong quý 2 sẽ tập trung tháo gỡ, để đẩy các dự án nhà ở, bất động sản chạy. TP quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản, tổ chức rà soát, có phương án hiệu quả xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.
“Các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và từ đề nghị của hiệp hội doanh nghiệp, các sở ngành nhóm lại các dự án đang vướng, để hằng tuần, hoặc 2 tuần một lần, Phó chủ tịch UBND TP phụ trách cùng với các giám đốc Sở sẽ chủ trì, một lần họp sẽ gỡ được cho 1-2 doanh nghiệp để dự án chạy”, ông Mãi chỉ đạo.
Trước mắt, TP tập trung vào các dự án đang vướng trong quý II như Sở Xây dựng báo cáo và rà soát 138 dự án được Hiệp hội bất động sản TP nêu để giải quyết triệt để. Cho rằng điểm then chốt nằm khâu giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh phải nỗ lực để dòng vốn xoay.
“Các nhóm việc hoàn thành rà soát, phân nhóm công việc và gửi báo cáo về UBND TP trước 15/4”, ông Mãi giao thời hạn.
Ngân hàng giãn nợ, giảm lãi vay, phối hợp TP mở gói tín dụng lãi suất ưu đãi
Cũng trong buổi họp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hoà kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách hỗ trợ dòng vốn lưu động theo hình thức tín chấp hoặc thế chấp hàng tồn kho.
“Nhiều doanh nghiệp cũng đang cần dòng vốn dài hạn 7-10 năm với lãi suất dưới 10%, muốn thế chấp nhưng lại vướng pháp lý về đất đai, hoặc việc định giá đất chưa theo giá thị trường. Một số doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp không thể thế chấp dù tiền thuê đã trả một lần cho 50 năm”, ông Hòa nêu khó.
Trước vấn đề này, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho hay, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm chi phí đầu vào và giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Vừa qua, NHNN có gói tín dụng 120.000 tỷ sẽ triển khai trong 1-2 tuần tới dành cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và sửa chữa nhà chung cư. Khi có hướng dẫn, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ triển khai ngay đến người dân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Hiện nay, NHNN về phía trung ương có 2 gói hỗ trợ doanh nghiệp, gồm gói cho vay lãi suất 2%, đã giải ngân trên địa bàn TP 14.152 tỷ đồng cho 254 khách hàng; bên cạnh đó là gói cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên với lãi suất chỉ còn 4,5-5.5%.
Riêng tại TP, NHNN cũng đang triển khai 2 gói tín dụng trên địa bàn. Một là gói hằng năm kêu gọi được 20 ngân hàng đăng ký với số tiền 453.000 tỷ, đã giải ngân cho 81 khách hàng với tổng số tiền ghi nợ là 11.380 tỷ đồng. Hai là gói kêu gọi 11 ngân hàng cổ phần có trụ sở chính tại TP.HCM đăng ký 87.600 tỷ đồng và 100 triệu đô, dành cho tín dụng lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp, người dân, các đối tượng yếu thế, khó tiếp cận nguồn vốn vay, người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên, với lãi suất giảm từ 1-3%.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục giảm lãi suất và gia hạn nợ, tạo ra nguồn vốn thanh khoản dồi dào; bên cạnh đó tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thực hiện cơ chế cơ cấu lại nợ, giống như chính sách đã triển khai trong đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp giãn nợ”, ông Dũng chia sẻ.
Đồng thời, ông Dũng cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các đầu mối liên quan như các sở ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các hợp tác xã Sài Gòn, ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công ty phát triển phần mềm Quang trung,… tiếp tục phối hợp để NHNN có thông tin trực tiếp xử lý hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tháo gỡ tài chính cho doanh nghiệp, người dân, theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, ngoài vận dụng chính sách chung của Trung ương, cần tiếp tục trao đổi với các ngân hàng trên địa bàn. “Đối với gói lãi suất thấp gồm 87.600 tỷ đồng cộng với 100 triệu đô của các ngân hàng trên địa bàn TP, cần công khai ngay gói này, chi tiết lĩnh vực nào, điều kiện gì, quy trình hồ sơ ra sao để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận”, ông Mãi đề nghị.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các sở ngành thực hiện nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp. Vì trong điều kiện thiếu thốn hiện nay, việc này rất có ý nghĩa, ít nhất để trả lương cho người lao động.
Tại phiên họp, Chủ tịch UNBD TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh các sở ban ngành tập trung tối đa nguồn lực hoàn thành, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trễ hạn nhiệm vụ của Nguồn tin bài:
https://www.khoahocphothong.com.vn/tu-quy-ii-doanh-nghiep-se-duoc-tp-hcm-doc-suc-mo-duong--61606.html
|