- 14:07 ,12/12/2022
Từ một doanh nghiệp làm trường học theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, đến nay sau hơn 23 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) đã đạt nhiều thành tích vượt trội, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Con đường dẫn bà đến với ngành Giáo dục như thế nào?
- Tiến sĩ Trần Ái Cầm: Có thể nói như là cái duyên đã sắp đặt và gắn kết bản thân tôi với ngành giáo dục, giống như nghề chọn người vậy đó.
Từ những ngày đầu khi đang là sinh viên, học ở giảng đường Trường ĐH Luật TP.HCM, đã khơi dậy trong tôi về sự yêu thích đối với ngành giáo dục, tôi nhận thấy những khát vọng cao đẹp của nghề giáo và mong muốn bản thân mình đóng góp một phần giá trị để hiện thực hóa các khát vọng đó.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM vào năm 1998, tôi đã tham gia công tác tại Trường Cao đẳng Hoa Sen với vị trí Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo. Sau 8 năm công tác ở đây, những đồng nghiệp và lãnh đạo trực tiếp đều nhận xét bản thân tôi có những tố chất, năng lực, thế mạnh để phát huy trong ngành Giáo dục. Chính điều này đã tiếp tục hun đút cho tôi tình yêu nghề với sự nghiệp giáo dục. Đồng thời đây cũng chính là bước đầu cho thấy việc tôi lựa chọn gắn kết ngành Giáo dục để phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp... là sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn.
Vào những ngày đầu năm 2008, trong một cơ duyên tình cờ, tôi được PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Hiệu trưởng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) mời tôi về tham gia công tác tại Trường với chức danh ban đầu là Trưởng Bộ môn Thư ký văn phòng kiêm giảng viên. Tôi thực sự bị thu hút bởi những định hướng chiến lược, tầm nhìn và khát vọng của người đứng đầu về một cơ sở giáo dục tử tế, hạnh phúc và tôi đã nhận lời về công tác tại Trường. Đến nay, trải qua 15 năm gắn bó với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tôi đã kinh qua nhiều vị trí từ giảng viên, trưởng bộ môn, trưởng phòng, phó hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thường trực, ủy viên hội đồng trường - Hiệu trưởng.
24 năm gắn bó với ngành giáo dục là một khoảng thời gian đủ lớn để tôi có thể đánh giá một cách chính xác về những lựa chọn của bản thân trên hành trình cùng đồng hành với ngành Giáo dục. Bản thân tôi nhận thấy rằng, dù ở bất kỳ vị trí nào tôi cũng luôn mang tất cả trí tuệ, sự tâm huyết, kiên định, trách nhiệm cao với những gì mình đảm trách, phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đến nay, sự nhiệt huyết, tình yêu nghề trong tôi vẫn luôn cháy bỏng so với những ngày đầu.
Vai trò của nhà giáo từ lúc bà mới đi làm trong ngành giáo dục đến nay có gì thay đổi?
- Tính đến nay, tôi đã có 24 năm gắn bó với ngành giáo dục, một hành trình tương đối dài và tôi nhận thấy rằng thật sự có rất nhiều sự thay đổi về vai trò của nhà giáo trong ngành giáo dục. Sự thay đổi này bắt nguồn từ những thay đổi rất nhanh của bối cảnh giáo dục thế giới, khu vực và trong nước.
Thời điểm năm 1998, khi tôi bắt đầu tham gia vào công tác giảng dạy, giáo dục nước ta nói chung còn nhiều hạn chế về mặt chương trình đào tạo, học liệu, trang thiết bị hỗ trợ quá trình giảng dạy và người thầy vẫn là trung tâm của quá trình đào tạo (giáo dục dựa trên nội dung).
Giai đoạn sau năm 2000, nền giáo dục đã có những bước chuyển mình và thể hiện rõ nét từ sau năm 2010 nhờ việc tiếp cận và học tập các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đội ngũ giảng dạy được học tập ở nước ngoài quay trở về nước để cống hiến nhiều hơn, các chương trình đào tạo bắt đầu chuyển mình thông qua việc rà soát, cập nhật để hướng đến việc đáp ứng cao hơn những yêu cầu của thị trường lao động. Lúc này, vai trò của người thầy đã dần chuyển dịch từ trung tâm của quá trình đào tạo sang định hướng và dẫn dắt cho quá trình đào tạo. Và người học bắt đầu đóng vai trò là trung tâm của quá trình đào tạo (dịch chuyển từ giáo dục dựa trên nội dung sang giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra). Để thích ứng với bối cảnh mới, lúc này đòi hỏi người thầy phải hội tụ rất nhiều yếu tố bên cạnh kiến thức chuyên môn không chỉ sâu rộng mà còn yêu cầu cao về kỹ năng giảng dạy, khả năng truyền tải, năng lực số cũng như khả năng thích ứng trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
Nếu có một kiến nghị cho nhà giáo, bà sẽ kiến nghị nội dung gì?
- Những trải nghiệm trong ngành Giáo dục đã cho tôi thấy rằng, lao động sư phạm là một quá đòi hỏi sự kết tinh của rất nhiều yếu tố (người dạy, người học, chương trình đào tạo, học liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị...) và nhà giáo là một thành tố trong hệ sinh thái của ngành Giáo dục.
Nghề giáo là nghề thiêng liêng, cao quý, được xã hội trọng vọng, mỗi một thế hệ sinh viên tốt nghiệp như là một chuyến đò sang sông đã được người thầy dẫn dắt thành công. Tôi mong muốn và gửi gắm đến các thầy, cô của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng và toàn thể nhà giáo nói chung về sự đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết, tình yêu nghề; nỗ lực cố gắng, thể hiện tinh thần cầu tiến và sự lan tỏa mạnh mẽ các giá trị tích cực; luôn đổi mới, sáng tạo không ngừng, đưa ra các giải pháp hữu ích trong công tác dạy và học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học để góp phần cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Xin cám ơn Tiến sĩ Trần Ái Cầm.
Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online