Trong đó, năm 2021, 2022 có nhiều trường được gắn 4 sao QS. Vậy việc tham gia gắn sao QS có lợi gì đối với cơ sở giáo dục đại học và người học? Tạp chí Khoa học phổ thông mời bạn đọc theo dõi bài viết của Tiến sĩ Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF).
Đánh giá dựa vào xác minh cơ sở dự liệu toàn diện
QS - Quacquarelli Simonds, Anh Quốc là một trong những tổ chức đánh giá xếp hạng các trường đại học nổi tiếng toàn cầu. QS Stars là hệ thống đánh giá xếp hạng gắn Sao. Khi tham gia đánh giá theo chuẩn Sao của QS (QS Stars), các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào việc đánh giá chuyên sâu với 8 tiêu chuẩn và hơn 50 tiêu chí: Chất lượng giảng dạy, Việc làm sinh viên, Cơ sở vật chất, Quốc tế hóa, Chương trình thế mạnh, Phát triển học thuật, Trách nhiệm xã hội và Phát triển toàn diện. Hệ thống đo lường và đánh giá gắn Sao của QS – QS Stars mang tính toàn diện và được tiến hành bằng phương pháp audit (phương pháp đánh giá ngoài dựa vào xác minh cơ sở dự liệu toàn diện của một tổ chức).
Việc đánh giá theo QS Stars giúp cho Học sinh, Sinh viên, Phụ huynh và những người quan tâm khác dễ dàng hơn trong việc lựa chọn chương trình học, ngành học. Ngoài ra, giúp cho nhà trường mở rộng cơ hội hợp tác với doanh nghiệp về thực tập, việc làm, học bổng, cập nhật chương trình đào tạo… Bên cạnh đó, giúp cho trường mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên và sinh viên. Song song đó, việc đánh giá theo QS Stars còn giúp cho trường có một bức tranh toàn diện về những điểm mạnh và những điểm cần cải tiến. Việc này giúp cho trường cũng có thêm qui trình đảm bảo và cải tiến chất lượng liên tục.
Việc đo lường và đánh giá theo theo QS Stars còn cung cấp một bức tranh tổng quan cho biết cơ sở giáo dục đang ở đâu trong bức tranh giáo dục đại học thế giới và là xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học, giúp cho công quản trị đại học tốt hơn dựa vào các chỉ số đạt được ở các tiêu chuẩn và tiêu chí được đánh giá, căn cứ vào đó lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học đề ra những chiến lược phát triển toàn diện và đồng thời giúp công tác quản lý rủi ro được tốt hơn dựa vào các chỉ báo trong báo cáo chi tiết do QS cung cấp sau đánh giá bên cạnh Chứng nhận quốc tế. Dựa vào cáo cáo này, các cơ sở giáo dục thực hiện hành động cải tiến sau đánh giá QS Stars. Với phương pháp như vậy, các cơ sở giáo dục phát triển văn hóa chất lượng hướng đến những tiêu chuẩn quốc tế và khẳng định vị thế của mình trong bức tranh giáo dục đại học của thế giới. Theo tôi, đây cũng là trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học với các bên liên quan và xã hội.
Giúp cơ sở giáo dục đại học liên tục cải tiến chất lượng giáo dục
Tùy theo năng lực thực tế của mỗi cơ sở giáo dục mà có những ưu tiên lựa chọn các bộ chuẩn đo lường và đánh giá khác nhau, việc thực hiện QS Stars là tự nguyện, và tất cả các tổ chức thực hiện xếp hạng, đánh giá, kiểm định qui mô trong nước hay ngoài nước đều có thu phí và là hiển nhiên để duy trì hoạt động của một tổ chức. Để đánh giá gắn Sao theo QS – QS Stars, các cơ sở giáo dục cũng tùy vào năng lực của mình mà tiến hành, có những trường khi đánh giá chu kỳ 1 đạt 3 Sao và sau quá trình cải tiến trong khoảng 3 năm để đạt được 4 Sao, hoặc tiếp tục duy trì mức 4 Sao nhưng cải tiến các tiêu chí con. Điều này để nói rằng các cơ sở giáo dục phải liên tục cải tiến để duy trì chuẩn Sao được cấp hoặc hướng đến đạt chuẩn Sao cao hơn.
Sự khác nhau giữa Xếp hạng hoặc đánh giá gắn Sao theo QS và Kiểm định cơ sở giáo dục đại học theo tôi đó là 2 phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng cùng chung mục đích là giúp các cơ sở giáo dục đại học liên tục cải tiến chất lượng giáo dục: cải tiến công tác quản trị nhà trường, cải tiến vận hành, cải tiến hoạt động giảng dạy và nghiên cứu cũng như dịch vụ hỗ trợ và phục vụ cộng đồng. Tùy theo bộ chuẩn xếp hạng hay kiểm định mà có những tiểu chuẩn và tiêu chí khác nhau cũng như những trọng số khác nhau để cấu thành điểm tổng hợp để xếp hạng hoặc gắn Sao, hoặc xác định mức độ đạt tiêu chuẩn kiểm định hoặc không đạt. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng tất cả các hoạt động của một trường đại học có mối quan hệ tương hỗ nhau nên việc có được các chuẩn đo lường và đánh giá các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo tôi là cần thiết nhằm mục đích cải tiến liên tục chất lượng giáo dục để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các bên liên quan dù là phương pháp tiếp cận khác nhau.
Vậy câu hỏi đặt ra là thực hiện đánh giá gắn Sao có giúp gì cho việc tham gia xếp hạng (Ranking) hay kiểm định (Accreditation)?
Theo tìm hiểu của tôi dựa trên các thông tin do QS cung cấp và với vai trò người làm trực tiếp, khi các cơ sở giáo dục đại học tham gia gắn Sao sẽ giúp trường nguồn cơ sở dữ liệu đã được thu thập và cung cấp cho QS trong một Hub, và sau này khi các cở giáo dục đại học này nếu tham gia xếp hạng sẽ có nhiều tiêu chuẩn đã có sẵn cơ sở dữ liệu, giúp cho việc tham gia xếp hạng dễ dàng hơn. Khi đã có cơ sở dữ liệu, có những hành động cải tiến liên tục sau đánh giá, thì đó cũng là nguồn dữ liệu minh chứng cho quá trình cải tiến liên tục các hoạt động của cơ sở giáo dục và là điều các tổ chức kiểm định quan tâm.
Trong năm 2021, 2022 có nhiều trường ĐH tại Việt Nam được gắn 4, 5 sao: Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Trường ĐH Vin, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Trước đó có Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia đạt được chứng nhận 3 sao và 4 sao. Trường ĐH FPT được xem là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam tham gia và đạt 3 sao QS vào năm 2012 (Theo thống kê của Tạp chí Khoa học phổ thông -PV).