Trung tâm cấp cứu hồi sức chống độc bệnh viện An Sinh kết hợp các biện pháp chăm sóc toàn diện giúp người bệnh nhanh hồi

24/01/2023 06:18

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện An Sinh tiếp nhận từ 70 - 100 ca cấp cứu, đa dạng bệnh, trong đó khoảng 1/3 trường hợp cần được chăm sóc tích cực và chống độc. Những ngày cuối năm, đường phố tấp nập, tai nạn nhiều hơn, các ca ngộ độc rượu cần kết hợp giữa cấp cứu, hồi sức tích cực và các kỹ thuật chống độc cũng nhiều hơn.

 

Hồi sức tích cực: Theo dõi, chăm sóc bệnh nhân toàn diện 24/24

Thời tiết TP.HCM đang chuyển lạnh những ngày cuối năm. Một ca bệnh vừa được chuyển vào khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện An Sinh. Cụ bà (79 tuổi, TP.HCM) bị suy hô hấp do viêm phổi, kèm theo nhiều bệnh nền, xơ xẹp phổi phải đã trên 40 năm, do di chứng của lao phổi. Kết quả cấy đờm nhiễm vi khuẩn đa kháng Klebsiella pneumonie, kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh thông thường. Vi khuẩn này là một trong những “nỗi sợ” của các bác sĩ hồi sức tích cực.

“Chúng tôi đã cho bệnh nhân thở máy tích cực, dùng phác đồ kháng sinh phù hợp, kết hợp các biện pháp chăm sóc toàn diện cùng dinh dưỡng tích cực, vật lý trị liệu phối hợp. Bệnh nhân ngưng được thở máy, tình trạng ổn định và chuyển về theo dõi, điều trị tiếp ở khoa Nội”, BS.CKII. Nguyễn Đức Thành, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện An Sinh, kể.

Trước đó, một bệnh nhân 96 tuổi bị suy tim, viêm phổi, suy kiệt tuổi già cũng phải vào khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc. Qua điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định và ra viện. Hiện tại, nhân viên y tế của khoa này vẫn tiếp tục hỗ trợ, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Đặc biệt, gần Tết, khoa Cấp cứu thường tiếp nhận và chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc các ca hôn mê do ngộ độc rượu cần các phương pháp giải độc.

“Những trường hợp bệnh nhân uống rượu và không kiểm soát tốt chất lượng có lẫn methanol, một loại cồn công nghiệp, thường bị hôn mê, rối loạn chuyển hóa và tổn thương đa cơ quan nặng. Chúng tôi triển khai lọc máu kết hợp các biện pháp điều trị khác,” BS.CKII. Nguyễn Đức Thành nói.

Hay nhiều ca cấp cứu vào hồi sức tích cực do xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, mất máu... Các bác sĩ vừa bù dịch để cải thiện tuần hoàn, vừa truyền 4 - 6 đơn vị máu.


BS.CKII. Nguyễn Đức Thành chia sẻ thêm: “Công việc hồi sức tích cực lúc nào cũng khẩn trương và liên tục, theo dõi bệnh 24/24. Bàn làm việc của các y bác sĩ và điều dưỡng được đặt ngay tại vị trí trung tâm để luôn theo dõi sát sao người bệnh. Bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc toàn diện và sẵn sàng cấp cứu bất cứ tình huống nào, bệnh nhân từ ngoại viện vào cấp cứu hay bệnh nhân nội viện diễn biến nặng chuyển đến hoặc chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật nặng”.

Việc kiểm soát tối ưu và an toàn cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Khoa được trang bị hệ thống oxy, khí nén và hút trung tâm, hệ thống monitor đa kênh để theo dõi bệnh nhân hiệu quả nhất.

Hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại nhà

Theo xu hướng phát triển chung của bệnh viện, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện An Sinh, triển khai chương trình hỗ trợ bệnh nhân ổn định và ra viện rồi, chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ gia đình về các biện pháp chăm sóc tại nhà”. Theo BS.CKII. Nguyễn Đức Thành, cụ thể, nhân viên y tế tại khoa sẽ nhắc lịch tái khám, lưu ý uống thuốc, hướng dẫn chăm sóc.

“Sau khi nằm trong phòng hồi sức tích cực, nhiều bệnh nhân lớn tuổi chưa tự ăn bằng miệng được mà cần chăm sóc, nuôi ăn qua ống sonde dạ dày dài ngày. Chúng tôi sẽ hướng dẫn gia đình cách chăm sóc và định kỳ, cử điều dưỡng đến giúp người nhà cách chăm sóc và hướng dẫn chế độ ăn cho phù hợp... ngay cả hướng dẫn cách nấu súp, lọc, rây, độ loãng của súp như thế nào khi phải nuôi ăn qua ống. Những trường hợp chưa tiểu được, chúng tôi lại hỗ trợ thông tiểu tại nhà...” BS.CKII. Nguyễn Đức Thành mô tả thêm.


Ngoài ra, bệnh viện còn hỗ trợ tư vấn các biện pháp chung chăm sóc cho bệnh nhân như tập vận động, lật người, xoay trở chống loét... Hiện tại, khoảng 10 trường hợp đang được các điều dưỡng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc duy trì theo dõi, hỗ trợ tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (35 tuổi, Q. Tân Phú) chia sẻ: “Mẹ chồng tôi bị rối loạn tiền đình, cao huyết áp, việc chăm sóc hằng ngày tại nhà cũng có n iều điều chúng tôi không hiểu rõ; nhất là những lúc mẹ tôi nằm dài ngày trên giường. Các bác sĩ hay nhân viên y tế hỗ trợ hướng dẫn người nhà đã giúp chúng tôi rất nhiều”.

Phát triển Trung tâm Cấp cứu - Hồi sức Chống độc

Trong một bệnh viện, bao giờ khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc cũng là khoa trung tâm. Các bệnh nhân nặng ngoài cần theo dõi điều trị hồi sức tích cực như hỗ trợ thở máy, điều trị hôn mê, rối loạn tuần hoàn, rối loạn chuyển hóa còn đòi hỏi phối hợp với các chuyên khoa sâu như can thiệp mạch, thần kinh điều trị đột quỵ não hay nhồi máu não, lọc máu liên tục, xét nghiệm chuyên sâu...

Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc phát triển trở thành nền tảng để các khoa khác phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đặc biệt khi triển khai các kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, bệnh cấp cứu và cần hồi sức tích cực ngày càng đa dạng. Bệnh lý cần lọc máu liên tục cũng ngày càng gia tăng. Chẳng hạn như sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, tổn thương đa cơ quan nặng do các bệnh lý khiến đáp ứng quá mức của cơ thể dẫn đến sản xuất ra nhiều chất gây viêm là cytokine. Những bệnh lý cần thay huyết tương như viêm đa rễ dây thần kinh, hội chứng Guilain - Barre, nhược cơ, lupus ban đỏ...


“Một trong những định hướng phát triển của Bệnh viện An Sinh trong năm 2023 là kết hợp khoa Cấp cứu với khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc thành một Trung tâm Cấp cứu Hồi sức Chống độc. Đây là xu hướng phát triển chung của ngành y tế trên thế giới và trong nước. Từ đó Trung tâm này có thể thực hiện nhiều kỹ thuật cao hơn, như thở máy, lọc máu liên tục... kết hợp với các biện pháp chuyên sâu, nâng cao chất lượng điều trị giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn”, TS.BS. Mai Văn Điển, Giám đốc Bệnh viện An Sinh, chia sẻ.

TS.BS. Nguyễn Đức Lộc, Trưởng Trung tâm Thận và Lọc máu, Bệnh viện An Sinh, cũng cho biết, Bệnh viện An Sinh là một trong những cơ sở y tế có nhiều máy lọc thận thế hệ mới nhất HDF - oline, 5 máy. Bệnh nhân được lọc các chất độc sạch hơn, đỡ tác dụng phụ hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn.


“Đây cũng là tiền đề để sắp tới, Trung tâm Thận và Lọc máu sẽ triển khai đồng bộ với kế hoạch phát triển của bệnh viện, kết hợp với khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, đặc biệt là lọc máu cho những bệnh nhân bị ngộ độc. Một kỹ thuật sắp được ứng dụng trong điều trị là lọc chậm liên tục cho những bệnh nhân suy đa cơ quan, diễn tiến nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy thận...”, TS.BS. Nguyễn Đức Lộc nói thêm.

TS.BS Mai Văn Điển nhấn mạnh việc kết hợp thành trung tâm sẽ tạo thuận lợi trong việc tập hợp nguồn nhân lực, đào tạo liên tục và toàn diện, nhằm đảm bảo kíp trực nào cũng có bác sĩ thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân, trong mọi tình huống.


Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, có nhiệm vụ tiếp nhận điều trị và chăm sóc các bệnh nhân nặng từ khoa Cấp cứu và các khoa trong bệnh viện chuyển đến, chăm sóc hậu phẫu và xử trí các diễn biến bất thường cho các loại phẫu thuật và tham gia cấp cứu tại các khoa khi được yêu cầu.

Sự an toàn và giảm nhẹ sự đau đớn sau phẫu thuật cho người bệnh là mục tiêu hàng đầu của Khoa. Qua 12 năm, khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc nhận chăm sóc, theo dõi điều trị gần 60 ngàn bệnh nhân, chưa ghi nhận những tai biến, tai nạn nào, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

An Quý

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp