Đáng chú ý, nông sản và năng lượng là 2 thị trường đón nhận lực mua rất tích cực, ngay sau những điều chỉnh chính thức về nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học của Mỹ được công bố.
Cụ thể, ngày hôm qua, Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ EPA đã chính thức ấn định nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong năm 2023 ở mức 20,94 tỷ gallon, cao hơn so với mức 20,82 tỷ gallon được đề xuất hồi tháng 12. Trong khi đó, nghĩa vụ pha trộn trong năm 2024 và 2025 lần lượt được EPA quyết định ở mức 21,54 tỷ gallon và 22,33 tỷ gallon, đều thấp hơn so với các mức 21,87 tỷ gallon và 22,68 tỷ gallon tương ứng mà cơ quan này đưa ra trước đó. Điều này đã tạo ra cú sốc trên thị trường nhiên liệu sinh học, khiến giá một loạt các mặt hàng liên quan ghi nhận các mức biến động bất ngờ.
Giá dầu đậu tương giảm kịch sàn, khô đậu tương tăng vọt 6,7%
Trên thị trường nông sản, dầu đậu tương không chỉ là mặt hàng duy nhất giảm giá, mà còn ghi nhận mức giảm kịch sàn, 6,7%, xuống còn 484 USD/tấn. Triển vọng tiêu thụ dầu đậu tương trong hoạt động sản xuất dầu diesel sinh học tại Mỹ sụt giảm sau quyết định mới nhất về nghĩa vụ pha trộn nhiên liệu sinh học bắt buộc trong 3 năm tới của nước này. Điều này lập tức gây áp lực lên giá dầu đậu tương.
Đồng thời, việc dầu đậu tương ít được tiêu thụ cũng tác động tiêu cực tới hoạt động ép dầu tại Mỹ, khiến nguồn cung khô đậu tương thu hẹp, từ đó hỗ trợ mặt hàng này tăng vọt 6,4% trong ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá đậu tương, sản phẩm đầu vào cho hoạt động ép dầu cũng đã tăng vọt hơn 2,5% và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 do lo ngại về tình hình nguồn cung sụt giảm tại Mỹ.
Giá dầu lên cao nhất 2 tuần
Giá dầu đã lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 21/6, với dầu WTI đóng cửa cao nhất trong 2 tuần, đạt mức 72,53 USD/thùng sau khi tăng 1,88%. Giá dầu Brent tăng 1,61% lên mức 77,12 USD/thùng.
Kế hoạch mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy triển vọng tăng trưởng nhiên liệu sinh học bị hạ thấp so với kỳ vọng trong 2 năm tới. Nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học là các sản phẩm ngũ cốc liên tục tăng mạnh trọng giai đoạn vừa qua do thiếu hụt nguồn cung. Điều này đã thúc đẩy sự vững chắc đối với nhu cầu dầu thô và hỗ trợ cho giá.
Trong khi đó, mối lo thiếu hụt nguồn cung vẫn còn tiềm ẩn trên thị trường, nhất là khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) duy trì chính sách cắt giảm sản lượng. Tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ sẽ chỉ đạt mức 1,3% lên 12,77 triệu thùng/ngày trong năm 2024, sau khi tăng 6,1% trong năm nay, theo ước tính từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Sản lượng từ khu vực đá phiến hàng đầu, bao gồm lưu vực Permian của Texas và New Mexico, cũng đang suy yếu, càng làm gia tăng lo ngại về sự thâm hụt trong tương lai.
Công suất lọc dầu thô hàng ngày của Mỹ đã tăng nhẹ trở lại trong năm 2022, sau 2 năm sụt giảm trước đó, với mức tăng hơn 100.000 thùng lên 18,1 triệu thùng/ngày. Nếu hoạt động lọc dầu tiếp tục được thúc đẩy trong năm nay, sự gia tăng thận trọng trong sản lượng dầu Mỹ, đặc biệt là dầu đá phiến có thể sẽ khó đáp ứng nhu cầu lọc trong dài hạn.
MXV cho biết, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí độc lập (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ giảm 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/6, trái ngược với dự đoán tăng của thị trường, càng củng cố thêm cho đà phục hồi của giá dầu.
Tuy nhiên, theo MXV, tồn kho xăng tăng 2,9 triệu thùng trong tuần trước, vẫn đặt ra nhiều nghi ngại về năng lực tiêu thụ trong mùa di chuyển cao điểm. Điều này có thể khiến đà tăng của giá dầu bị hạn chế trong phiên sáng nay.
Theo Báo điện tử Chính phủ