GS. Jasleen Kukreja, Giám đốc Phẫu thuật chương trình ghép phổi, Đại học California, San Francisco chia sẻ những tiến bộ trong lĩnh vực ghép phổi - Ảnh: VGP/HM
Bệnh viện Phổi Trung ương vừa tổ chức hội thảo "Cập nhật tình hình triển khai ứng dụng ghép phổi và y học tái tạo trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối tại Việt Nam" nhân dịp hai chuyên gia bác sĩ hàng đầu thế giới về ghép phổi và ECMO đến từ Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ (UCSF) nhận lời sang thăm và giảng bài về hai lĩnh vực này.
Tại hội thảo, GS. Jasleen Kukreja, Giám đốc Phẫu thuật chương trình ghép phổi, Đại học California, San Francisco; GS. Marek Brzezinski, chuyên gia ECMO, Đại học California, San Francisco đã chia sẻ và cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học California, San Francisco.
Các bài phát biểu đã cập nhật về ứng dụng của ECMO trong phẫu thuật tim, phổi, ghép phổi và triển vọng của ghép phổi, tạo cơ hội nâng cao thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân xơ phổi, bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế, làm nền tảng cho các hoạt động phát triển, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối tại Việt Nam.
Tại hội thảo, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, các chính sách quy định về lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam hiện nay khá tốt, trong đó ghép phổi ở Việt Nam đã bắt đầu thực hiện thường quy. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong ghép tạng là nguồn tạng.
Trên thế giới, ghép tạng hầu hết được thực hiện từ những người cho chết não, nhất là ghép phổi – kỹ thuật phức tạp và khó khăn nhất trong các kỹ thuật ghép tạng.
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/HM
Tại Việt Nam, nguồn cho tạng từ người chết não rất ít, trong khi trong kỹ thuật ghép phổi, cứ 5 người cho chết não thì mới có 1 người có thể lấy được phổi để ghép vì vấn đề bảo quản phổi để ghép rất khó. Vì vậy, ghép phổi thường gặp nhiều khó khăn và ít ca ghép hơn so với các tạng khác.
Ở Mỹ, một ca ghép phổi hiện nay phải sử dụng kỹ thuật ECMO tới 90% nhằm hỗ trợ tim, phổi để khi phẫu thuật sẽ an toàn hơn, hiệu quả hơn.
"Ở Mỹ sử dụng một loại máy chạy tim, phổi ở bên ngoài cơ thể bệnh nhân. khi tim, phổi đưa ra khỏi người cho hoạt động không được tốt thì họ đưa vào máy này để nuôi giúp tim, phổi cải thiện tốt hơn", TS Đinh Văn Lượng chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương, nếu như trước đây, nguồn phổi từ người cho chết não chỉ bảo vệ được 4-5 tiếng, thì với hệ thống máy nuôi tim, phổi bên ngoài bệnh nhân, có thể bảo quản được tim, phổi ghép tới hơn 10 tiếng đồng hồ. Như vậy, nguồn tim, phổi từ người chết não ở vị trí xa so với nơi nhận vẫn có đủ thời gian để giữ và bảo quản tim, phổi ghép.
GS. Jasleen Kukreja và GS. Marek Brzezinski hỏi thăm bệnh nhân điều trị tại BV Phổi Trung ương - Ảnh: VGP/HM
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, kỹ thuật ứng dụng ECMO và máy chạy tim, phổi cũng đang được triển khai. Với những kỹ thuật cao hơn như máy nuôi tim, phổi ở bên ngoài, Bệnh viện cũng có thể hoàn toàn triển khai ngay được với sự hỗ trợ của bạn bè và chuyên gia quốc tế. Chính vì vậy, một trong những mục đích chính của hội thảo hôm nay là cập nhật kiến thức cho nhân viên y tế về lĩnh vực ECMO và ghép phổi từ những chuyên gia đầu ngành thế giới.
Cũng thông qua hội thảo này, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương đề xuất Bảo hiểm Y tế thanh toán cho kỹ thuật ghép tạng, để những bệnh nhân có chỉ định ghép phổi hay ghép tạng khác có cơ hội được cải thiện chất lượng sống tốt hơn.
"Riêng đối với những ca chờ ghép phổi, nếu bệnh nhân không được ghép thì thời gian sống chỉ kéo dài khoảng 6 tháng. Nếu được ghép, với trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam hiện nay, bệnh nhân có thể sống thêm 5-20 năm, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt", TS Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.
Hiền Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ