Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh" - Ảnh: VGP/Nhật Nam
Ngày 21/4, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Khoa Quốc tế Pháp ngữ (ĐHQGHN) và Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) tổ chức Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh".
Tọa đàm được tổ chức nhằm đưa ra các ý tưởng và giải pháp để giáo dục đại học thích ứng với xu hướng này và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, gắn với Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây là nơi chia sẻ thông tin, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế số và cách giáo dục đại học có thể thích ứng với xu hướng này.
Tại tọa đàm, các diễn giả và khách mời đã bàn luận về những cơ hội và thách thức mà AI mang lại cho nền kinh tế số, cũng như đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục đại học và hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trong những năm gần đây, AI đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng và phát triển nhanh chóng, có tiềm năng để thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp và đời sống của con người.
Trong hai năm vừa qua, kinh tế số đóng góp ngày càng quan trọng đối với GDP của Việt Nam, tăng từ mức 11,91% năm 2021 lên mức 14,26% và phấn đấu đến năm 2025 đạt mức 20% theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 cũng đạt khoảng 7,5%.
Trong khi đó, giáo dục đại học cũng đang phải đối mặt với các thách thức và cơ hội mới khi AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự trang bị đầy đủ về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế cho rằng, ngành giáo dục cũng phải nhanh chóng tiếp cận theo các yêu cầu: Giảng viên, người học sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại?
Còn các trường đại học cần làm gì để quản trị đại học thông minh hơn? AI đã và đang ngày càng trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc quản trị đại học thông minh, giúp các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện quản lý và tối ưu hóa nguồn lực. Các trường đại học trên thế giới đang không ngừng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI để đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao của xã hội.
Hướng tới giáo dục đại học thông minh
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tọa đàm đề cập tới việc các khóa học, chương trình đào tạo tại bậc đại học cần khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng của AI, cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học mới để bắt kịp với những xu hướng thay đổi nhanh chóng, bước tiến vượt bậc trong thị trường việc làm và hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo trên thế giới.
Việc tích hợp AI vào giáo dục đã gây ra một cuộc thảo luận sôi nổi về những lợi ích tiềm năng và hạn chế của công nghệ này.
Các lợi ích có thể bao gồm trải nghiệm học tập được cá nhân hóa và hiệu quả hơn cũng như tăng khả năng tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, các thách thức cũng có thể tập trung vào các mối quan tâm về quyền riêng tư, các cân nhắc về đạo đức và khả năng các hệ thống AI có thể bảo vệ các thành kiến hiện có.
Trước những vấn đề phức tạp xung quanh AI trong giáo dục và khoa học, các chuyên gia tham gia tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc những lợi ích và thách thức của công nghệ AI để đưa ra quyết định sáng suốt.
Các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo nên xem xét việc kết hợp học máy, phân tích dữ liệu, mô hình ngôn ngữ lớn, trí tuệ nhân tạo và đạo đức kỹ thuật số vào các khóa học, chương trình đào tạo để trang bị cho sinh viên, người học những công cụ hữu ích nhất để tự tin bước vào nền kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó còn nhìn nhận vai trò quan trọng của việc tích hợp công nghệ cao nói chung và Al nói riêng trong giáo dục đại học.
Sự kết hợp giữa công nghệ, Al và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, người học để có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới.
Đồng thời, ứng dụng AI có thể giúp các nhà quản lý giáo dục phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định thông minh, hiệu quả hơn trong việc quản lý các hoạt động giáo dục. Ví dụ, họ có thể sử dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu về kết quả học tập của sinh viên và đưa ra các chương trình giảng dạy phù hợp, cá thể hóa đối với từng sinh viên. Họ cũng có thể ứng dụng công nghệ AI để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương lai và đưa ra các kế hoạch phát triển giáo dục.
Phương Liên
Theo Báo điện tử Chính phủ