Chuyển đổi số giúp Tân Cảng Sài Gòn vượt qua đại dịch Covid-19
Đoàn đại biểu số 3 do đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã tham quan Tân Cảng - Cát Lái bằng đường thủy. Các đại biểu đã nghe báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM về tình hình giao thông đường thủy và hệ thống cảng biển của TP, tìm hiểu mô hình ứng dụng phần mềm tại Trung tâm điều hành sản xuất Tân Cảng - Cát Lái, xem phim tài liệu truyền thống Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, nghe lãnh đạo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng và tình hình kinh doanh của đơn vị.
Theo ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Đường thủy (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), sản lượng cảng biển tại TP.HCM bình quân hàng năm là 170 triệu tấn, trong đó, hàng hóa thông qua nội địa là 70 triệu tấn. Đặc biệt, Tân Cảng Cát Lái trên địa bàn TP được biết đến là cảng lớn nhất Việt Nam và nằm trong Top 30 cảng container hiện đại nhất thế giới. Theo Ban điều hành Cảng, nhờ ứng dựng dụng công nghệ thông tin, Tân Cảng Cát Lái đã kiểm tra tức thời vị trí, tiến độ container, giao dịch nhanh hơn, tiết kiệm được 1/2 thời gian cho xe container và 1/3 thời gian cho tàu neo đậu, nhân sự điều hành cũng giảm xuống nhiều lần…
Ông Bùi Văn Quỳ- P.Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng đang thiệu về hoạt động với Đoàn công tác.
Đại tá Nguyễn Năng Toàn - Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, chính nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống 16 cảng của Tổng công ty, trong đó có cảng Cát Lái, đã nâng cao sản lượng, nâng cao uy tín, tăng năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19, đưa kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn. Theo đó, tổng doanh thu năm 2022 đạt 26.800 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021, tổng lợi nhuận đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2021.
Đoàn 3 do Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trưởng đoàn chụp hình cùng Tổng công ty Tân Cảng.
Trước những thành tựu vượt trội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành công việc vô cùng phức tạp tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, đây chính là minh chứng mạnh mẽ cho câu chuyện tích hợp giữa trí tuệ Việt Nam với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, hạn chế sử dụng xăng dầu để bảo bệ môi trường, gắn kết công tác kinh tế với công tác quốc phòng.
Thay mặt cho đoàn công tác, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã có lời chúc mừng và trân trọng những thành tựu, cống hiến của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời chúc đơn vị này phát huy truyền thống anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, phát huy phẩm chất người chiến sĩ quân đội nhân dân, trở thành một tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu, là niềm tự hào, niềm vinh dự của mỗi người dân Việt Nam khi nói về thương hiệu mạnh của đất nước.
Hào hứng trước sự đổi thay của TP.HCM
Các thành viên Đoàn 2 do đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn, đã có chuyến tham quan sông Sài Gòn; tham quan Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, kết hợp tìm hiểu quá trình xây dựng và vận hành đường hầm sông Sài Gòn. Trung tâm Điều hành giao thông thông minh là trung tâm điều hành giao thông đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước. Trung tâm có nhiệm vụ triển khai ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn, trợ giúp cho những trường hợp khẩn cấp thông qua áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, quá trình chuyển đổi số.
Tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm đã giới thiệu và chia sẻ về quá trình thiết kế và xây dựng đường hầm sông Sài Gòn. Đây là Dự án thuộc gói thầu xây lắp hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm, do nhà thầu là Obayashi thực hiện, khởi công đầu năm 2005 và hoàn thành vào tháng 11/2011.
Dự án xây dựng đại lộ Đông Tây TP.HCM (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) được thực hiện sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, trực tiếp quản lý là ban QLDA Đại lộ Đông Tây - UBND TP.HCM và tư vấn thiết kế cũng là tư vấn giám sát là Liên danh Tư vấn quốc tế PCI và OC-TEDI từ 2005.
Đây là một tuyến đường đi qua trung tâm thành phố, có chiều dài toàn tuyến gần 22 km chạy dọc theo kênh từ QL1A, huyện Bình Chánh đến Quận 1, vượt sông Sài Gòn bằng Hầm Thủ Thiêm và nối với Xa lộ Hà Nội tại ngã ba Cát Lái, Quận 2. Nó cho phép xe cộ ra vào cảng Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông, miền Tây mà không phải qua trung tâm thành phố.
Hoàn thành, đi vào hoạt động từ ngày 21/11/2011, hầm và toàn bộ đại lộ Đông-Tây đã làm tăng cường năng lực hệ thống giao thông nội đô và liên vùng Đông Nam Bộ; giải quyết cảnh quan môi trường dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Dự án đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu Đô thị mới Thủ Thiêm nhờ hầm vượt sông Sài Gòn đã kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị mới bán đảo Thủ Thiêm.
Đoàn 2 cũng được trải nghiệm đi buýt đường sông Sài Gòn (Saigon Waterbus). Tuyến buýt đường sông số 1 dài 10,8km, lộ trình từ Bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, đến khu vực Phường Linh Đông (TP. Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới.
Trên tuyến này có tổng 12 bến đón, trả khách nằm rải rác tại các quận 1, 2, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức nhưng hiện đang vận hàng 5/12 bến. Toàn tuyến có 5 tàu buýt, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Thời gian hoạt động của buýt đường sông là từ 6h30 - 19h30 hằng ngày. Nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến.
Chuyến đi tham quan thực tế, tìm hiểu đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các thành viên của đoàn. Thay mặt thành viên đoàn, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, các thành viên của đoàn rất hào hứng trước sự đổi thay của TP.HCM. Nhiều đồng chí rất lâu rồi mới trở lại TP. Qua tham quan sông Sài Gòn, các thành viên biết thêm nhiều điểm rất hấp dẫn với khách du lịch. Riêng tại điểm Đường hầm sông Sài Gòn và Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, nhiều cán bộ tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy lần đầu đến đây tìm hiểu quá trình xây dựng và vận hành đường hầm sông Sài Gòn.
“Chúng tôi cảm nhận được trung tâm không chỉ điều hành giao thông hầm sông Sài Gòn mà còn điều khiển hệ thống giao thông của TPHCM. Hy vọng, Trung tâm này sẽ giúp TPHCM giải quyết các điểm ùn tắc giao thông và xử lý nhanh vấn đề liên quan đến giao thông của TPHCM trong thời gian tới” – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy bày tỏ.
Khu công nghệ cao và tuyến Metro số 1 tạo nên sự thay đổi ngoạn mục của TP.HCM
Đoàn 1 do ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn; ông Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TP.HCM làm phó đoàn, đã tham quan thực tế Khu công nghệ cao (KCNC) và tuyến Metro số 1.
Đoàn đại biểu được giới thiệu kết quả đạt được tại KCNC trong 20 năm hình thành và phát triển. Có thể nói, từ một vùng đất nông nghiệp, phần lớn là ruộng bạc màu, hoang hóa của vùng chiến khu bưng biền của 6 xã (TP. Thủ Đức).
Đoàn tham quan Showroom trưng bày sản phẩm của KCNC.
Qua 20 năm đã hình thành một Trung tâm Công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao với sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước – nhất là dự án từ các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đồng thời hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại KCNC (Made in Việt Nam); làm cơ sở lan tỏa công nghệ cao ra bên ngoài và hạt nhân xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.
Đoàn tham quan Trung tâm dịch vụ chia sẻ FPT Software
Công trình KCNC TP.HCM cũng góp phần quan trọng củng cố lòng tin của người dân thành phố - nhất là cư dân quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) nơi triển khai dự án, về chủ trương đúng đắn của Trung ương và Thành phố về giải pháp phát triển công nghệ cao trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Sau đó, Đoàn cũng trải nghiệm tuyến Metro số 1, từ ga Suối Tiên, đi qua ga Đại học Quốc gia TP.HCM đến ga Công nghệ cao, di chuyển qua ga Thủ Đức và kết thúc ở ga Bình Thái, với đoạn đường khoảng 9 km.
Sau chuyến thăm thực tế, ông Lê Hải Bình chia sẻ: “Tôi nhận thấy sự thay đổi của TP.HCM rất ngoạn mục. Điều này, thể hiện sự nôỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã vượt qua những khó khăn thách thức, cả trong khắc phục hậu quả dịch Covid-19, cũng như vượt qua khó khăn kinh tế thế giới quốc tế khu vực.
Tôi đầy cảm xúc, khi chứng kiến thành phố đang hối hả trong việc dựng xây, tái cơ cấu và tiếp tục vươn lên xứng đáng đầu tàu của cả nước. Chúng tôi, được tận mắt thấy, những công nghệ mới, những startup mới tại KCNC TPHCM và được thấy tàu điện ngầm tuyến Metro được lăn bánh. Đó là những minh chứng chúng tôi cảm nhận rõ ràng. Hai địa điểm mà chúng tôi đến thăm hôm nay, đã đạt được thành tích, kết quả rất cụ thể trong những ngày cuối năm 2022 và đón xuân Quý Mão sắp tới”.