Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho biết sự phục hồi kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa.
Riêng TPHCM ghi nhận "điểm sáng" trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Thành phố xuất qua cảng của Thành phố bao gồm cả dầu thô, trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 36 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của TPHCM, nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm tỉ trọng lớn nhất (đạt gần 13,88 tỷ USD, tăng 1,9%). Trong khi đó các nhóm mặt hàng truyền thống có sự tăng trưởng mạnh mẽ như: nhóm dệt, may (đạt gần 3,77 tỷ USD, tăng 42,7%); nông sản (đạt 3,57 tỷ USD, tăng 6,1%), nhóm hàng thủy hải sản đạt 1,11 tỷ USD, tăng 69,7%...
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp TPHCM với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022 đạt hơn 8,23 tỷ USD, tăng 7,3% so cùng kỳ và chiếm 22,9% tỷ trọng xuất khẩu.
Đứng thứ hai là thị trường Mỹ (đạt 6,32 tỷ USD, tăng 19,9%). Riêng với thị trường Liên minh châu Âu (EU), giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp TPHCM đạt 4,94 tỷ USD, tăng 19,7%. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản (đạt hơn 2,42 tỷ USD, tăng 24,0%).
Tái cấu trúc DN xuất khẩu thích ứng với tình hình mới
Theo các chuyên gia, mặc dù với dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài sang đầu năm 2023, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mới để DN xuất khẩu Việt Nam vươn lên, tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế mang lại.
Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện, hàng điện tử - những mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Theo Tiến sĩ Từ Minh Thiện, chuyên gia kinh tế nhận định tái cấu trúc DN xuất khẩu thích ứng với những thay đổi của các điều kiện tình hình mới đối với các DN nhỏ và vừa là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 15 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các khu vực và các quốc gia trên thế giới. Các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi các DN phải thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.
Để tái cấu trúc DN xuất khẩu, TS. Thiện cho rằng, DN cần lưu ý những vấn đề quan trọng như: xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp..
Các DN cần gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống; cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức như thị trường các nước thuộc khối Ả Rập, Mỹ la tinh, các nước Hồi giáo hoặc các dòng sản phẩm dành riêng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách…
Hỗ trợ Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn
Phát biểu tại diễn đàn, ông Alex Tatsis, Trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, cho biết, nâng cao khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. Chuỗi cung ứng cũng là trọng tâm chính của khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Trong IPEF, Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các đối tác của IPEF như Việt Nam để xác định những lĩnh vực và sản phẩm quan trọng đối với an ninh quốc gia, khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như sức khỏe và sự an toàn của người dân – từ đó thực hiện các hành động chung để tăng cường khả năng phục hồi của những lĩnh vực này, tạo việc làm và cơ hội kinh tế trong các ngành công nghiệp trọng điểm của tương lai.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Alex Tatsis nhấn mạnh, các liên kết chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều: Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc trong nước. Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.
Để giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về dài hạn. Hoa Kỳ tăng cường thuận lợi hóa thương mại và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua Dự án kết nối các DN nhỏ và vừa ("LinkSME") của USAID giúp các DN nhỏ và vừa của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận nguồn tài chính và thực hiện chuyển đổi số. Điều này giúp các doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vì lợi ích chung của hai quốc gia.
Hiện nay, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại của USAID đang phối hợp với Tổng cục Hải quan điều chỉnh các thủ tục thông quan biên giới và giảm tắc nghẽn tại cửa khẩu chính, bao gồm Cảng Cát Lái ở TPHCM, trung tâm vận chuyển container lớn nhất tại Việt Nam.
Lê Anh
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ