Thương mại, dịch vụ là “ điểm sáng” giúp kinh tế TPHCM hồi phục mạnh trong tháng 5 - Ảnh: VGP/Lê Anh
Như vậy, sau 3 tháng đầu năm 2023, CPI Thành phố tăng liên tục (tháng 1 tăng 0,38%, tháng 2 tăng 0,33%, tháng 3 tăng 0,04%), trong 2 tháng 4 và 5/2023, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần( tháng 4 giảm 0,11%, tháng 5 giảm 0,09%).
Trong tháng 5/2023, Thành phố có 6/11 nhóm hàng tăng giá gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, hàng hóa và dịch vụ khác; 2/11 nhóm không biến động là thuốc lá và dịch vụ y tế; 3 nhóm còn lại giảm là giao thông, bưu chính viễn thông và văn hóa giải trí.
Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,14%; trong đó, lương thực tăng 0,46% với giá gạo tăng 0,60%, lương thực chế biến tăng 0,13%, qua đó cho thấy tình hình giá lương thực có xu hướng tăng liên tục; ở chiều ngược lại, các loại thực phẩm giảm nhẹ, trong đó thịt lợn giảm 1,1%, thịt gia cầm giảm 0,20%, trứng giảm 0,90%, thủy sản tươi sống giảm 0,83%, thủy sản chế biến giảm 0,26%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,59%; trong đó dịch vụ nhà thuê tăng 0,03%, dịch vụ sữa chữa nhà tăng 0,49%, nước sinh hoạt tăng 6,17%, điện sinh hoạt tăng 2,5%, gas tăng 0,18%.
Các nhóm có xu hướng giảm đáng chú ý có nhóm giao thông giảm 2,95%, chủ yếu do giá xăng giảm 7,8%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,29% so với tháng trước chủ yếu do mặt hàng điện thoại các loại tiếp tục giảm 0,61%, các dịch vụ bưu chính và viễn thông không thay đổi.
Nhóm đồ uống và thuốc lá không biến động so với tháng trước; trong đó, đồ uống không cồn tăng 0,15%, rượu bia giảm 0,17%, thuốc lá không thay đổi.
Theo Cục Thống kê Thành phố, bình quân 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,01%, chỉ trừ nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,26% và nhóm giao thông giảm 3,23%, 9 nhóm còn lại đều tăng; trong đó, các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,51%; đồ uống thuốc lá tăng 4,62%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,13%; văn hóa giải trí tăng 5,29% và giáo dục tăng 15,29%.
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, với các giải pháp cụ thể và quyết liệt của chính quyền Thành phố trong thời gian qua, kinh tế TPHCM có sự phát triển khả quan, các lĩnh vực hàng hóa, bán buôn, bán lẻ, du lịch... đang tăng trưởng tốt, sản xuất công nghiệp đang khởi sắc, sức mua hàng hóa cải thiện, hoạt động lưu trú, du lịch tăng.
Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 1,5% so với tháng 4 và tăng 5,5% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 5 tháng, IIP tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 3,1% so với tháng trước, tăng 10,1% so với tháng 5/2022, cộng dồn 5 tháng đầu năm 2023 tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 58.068 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước. So với tháng cùng kỳ năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%, trong đó lương thực thực phẩm tăng 25,6%, hàng may mặc tăng 4,4%, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,7%, ô tô tăng 21,2%, xăng dầu tăng 8,4%. Cộng dồn 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 277.627 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lê Anh
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ