Thực tế hiện nay, theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, việc thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông năm 2018, mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn, áp lực lớn nhất tập trung tại cấp học tiểu học và THCS, tỷ lệ này chưa đạt, cụ thể: cấp tiểu học đạt 80,66%, cấp THCS đạt 76,03%.
Ông Nam nhấn mạnh, nhiều quận huyện hiện nay có nhiều trường học có nhiều lớp đông học sinh trên 45 học sinh/lớp việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng tốt cũng ảnh hưởng đến các lớp học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách TP.
Theo ông Lê Hoài Nam, thống kê đến tháng 12/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học đã đạt 294 phòng. Trong đó 12 quận, huyện và TP Thủ Đức đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.
Một số quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu: Quận 4 (286), quận 8 (292), quận 12 (235), quận Bình Thạnh (297), quận Gò Vấp (205), quận Tân Bình (288), quận Tân Phú (255), quận Bình Tân (288), huyện Bình Chánh (260), huyện Hóc Môn (211). Theo kế hoạch được xây dựng đến năm 2025 chỉ tiêu thực hiện cần đạt 300 phòng học/10.000 dân, còn 3 quận vẫn chưa đạt gồm: quận 4 (289), quận 12 (240), quận Gò Vấp (220).
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP cũng đánh giá tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân không đồng đều giữa các cấp học, cấp tiểu học và THCS đạt thấp, tập trung tại TP Thủ Đức (khu vực quận Thủ Đức cũ) và một số quận, huyện như: 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Trong khi đó, với quy mô của ngành GD-ĐT TP, đến năm 2025, TP.HCM cần 56.512 phòng học, so với số phòng đang có năm 2022 là 47.623.
Với con số thống kê như trên thì đến năm 2025, TP.HCM cần có thêm 8.889 phòng học ở các cấp bậc thì mới đáp ứng đầy đủ nhất về cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập.
Cũng tại hội nghị lần này, nhiều đại biểu, đại diện một số quận, huyện tại TP.HCM đã đưa ra đề xuất TP tổ chức thanh lý, sáp nhập những cơ sở vật chất giáo dục quy mô nhỏ hẹp, các điểm lẻ không đạt tiêu chuẩn, không có khả năng phát triển để có quỹ đất và kinh phí đầu tư xây mới thêm phòng học đảm bảo đúng quy cách.
Cụ thể, báo cáo về quỹ đất "sạch" dành cho giáo dục giai đoạn 2023-2025 phân theo quận, huyện và TP Thủ Đức cho thấy TP.HCM có 7 địa phương không còn sẵn đất "sạch" để đầu tư cho giáo dục. Đó là các quận, huyện: 5, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Hóc Môn, Cần Giờ và TP Thủ Đức. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến cuối tháng 12-2022, TP.HCM có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân, như bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án... Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 49 dự án, tiếp đó là mầm non với 36 dự án.