TP.HCM mong muốn được trao quyền chủ động huy động nguồn lực phát triển giáo dục

28/03/2023 19:58

TP.HCM kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội, mong muốn được giao quyền chủ động ban hành các chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển giáo dục.

TP.HCM kiến nghị với Đoàn giám sát của Quốc hội, mong muốn được giao quyền chủ động ban hành các chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển giáo dục.

Ngày 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Thường trực UBND TP.HCM về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

Tham gia buổi làm việc gồm: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ, thành phố đang đứng trước nhiều khó khăn trong công tác giáo dục và y tế với quy mô dân số trên 10 triệu người. 

TP.HCM cần thêm 8.000 phòng học mới có thể hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi). Được biết, ở một số quận huyện còn gặp tình trạng trường học trên 90 lớp, sĩ số hơn 50 học sinh/lớp. Con số này cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của ngành giáo dục.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cao Thăng/SGGP

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết cần tính toán các nguồn lực, phân bổ các chỉ tiêu về quy hoạch, nhân sự dựa trên số liệu dân cư thực tế. Nguyên nhân tới từ việc đối tượng cần phục vụ trong thực tế ở TP.HCM không chỉ có diện thường trú mà còn bộ phận lớn dân nhập cư, vãng lai. Trong khi đó hiện tại, việc phân bổ chỉ tiêu, biên chế nhân sự đều chỉ tính toán trên cơ sở hộ khẩu thường trú.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, TP.HCM đang gánh trên vai trách nhiệm to lớn về chăm lo giáo dục, y tế, không chỉ cho người dân trên địa bàn mà còn từ các địa phương khác đến học tập, làm việc và sinh sống. Điều này dẫn tới nhiều thách thức. Do đó, TP.HCM kiến nghị được giao quyền chủ động ban hành các chính sách để huy động các nguồn lực đầu tư và phát triển giáo dục.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, từ năm 2020 tới nay, việc tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo hình thức trực tiếp bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Hiện tại cho thấy, đội ngũ giáo viên ở nhiều cơ sở chưa đáp ứng đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu theo yêu cầu của chương trình mới. Thậm chí, một số thầy cô lúng túng khi triển khai dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề xuất cần tạo dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Cùng với đó là cơ chế cấp bù ngân sách chi trả lương cho giáo viên hợp đồng thỉnh giảng ở các vị trí việc làm không tuyển dụng được. Có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tạo hành lang pháp lý cho các địa phương cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục.

Bình Minh

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp